Chia sẻ kinh nghiệm du lịch các địa điểm Miền Bắc như: Hà Nội, Sapa, Hạ Long, Ninh Bình...
Hình đại diện của người dùng
Fiditour
 
Bài viết: 172
Ngày tham gia: 29 Tháng 1 2010 09:45

Kinh nghiệm leo núi Fansipan

gửi bởi Fiditour 25 Tháng 11 2010 13:44

Topic tổng hợp những kinh nghiệm leo núi Fansipan quý báu cho chuyến chinh phục Fansipan, ngọn núi cao nhất Đông Dương.

Fansipan là đỉnh núi cao nhất của ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia nên còn được gọi là nóc nhà Đông Dương. Chinh phục Fansipan ở độ cao 3.143 mét là mục tiêu của nhiều bạn trẻ thích phiêu lưu, mạo hiểm để khẳng định sự trưởng thành và sự dũng cảm.

Chuyến đi thường kéo dài 2-5 ngày mới đủ thời gian để chinh phục nóc nhà Đông Dương.

Xuất phát từ TP Cần Thơ, TPHCM khách du lich có thể chọn chuyến bay chiều, khởi hành vào lúc 15 giờ hàng ngày, đến Hà Nội. Sau khi thăm thú một vài điểm hoặc nghỉ ngơi, khách du lich ra ga đi Lào Cai. Xe lửa khởi hành vào lúc 21 giờ. Khoảng 6 giờ sáng hôm sau thì đến ga Lào Cai. Xuống ga, khách du lich đi thêm gần 40 cây số nữa để đến Sa Pa hoặc đi thẳng vào các điểm xuất phát, cách thị trấn khoảng 10 cây số. Khách du lich có thể lựa chọn 1 trong 3 điểm xuất phát tùy theo điều kiện sức khỏe và thời gian để chinh phục đỉnh Fansipan.

Theo tiếng Mông bản địa, Fansipan được phát âm là Hủa Xi Pan - tức phiến đá bằng phẳng và chông chênh bởi trên đỉnh núi có một phiến đá khổng lồ nằm trên con dốc thẳng đứng. Theo các nhà nghiên cứu địa chất, ngọn núi này được hình thành cách nay trên 100 triệu năm. Nằm trên địa hình núi cao, hiểm trở được xếp vào loại rừng nguyên sinh được bảo vệ nghiêm ngặt nên hệ sinh thái động, thực vật ở đây còn khá đầy đủ. Rừng nhiệt đới nằm ở độ cao từ 700 mét trở xuống với mật độ cây cối dày đặc, dây leo chằng chịt. Từ độ cao 700-2.800 mét có nhiều cây cổ thụ quý hiếm, chu vi gốc nhiều sải tay có cây đến vài trăm năm tuổi và cao đến 50-60 mét. Từ độ cao 2.800 mét trở lên, thời tiết gần như lạnh quanh năm, chỉ có các loại cây thấp, khoảng 20-30 cm. Tính toàn hệ sinh thái Fansipan, có gần 1.700 loại cây thuộc 679 loài, 7 nhóm.

Lâu nay, đỉnh núi Fansipan trở thành mục tiêu chinh phục của nhiều bạn trẻ để thử sức và nhằm vượt lên chính mình. Thời gian gần đây, khách du lich nước ngoài cũng đến Việt Nam để chinh phục ngọn núi này. Trước đây, muốn lên đến đỉnh 3.143 mét, khách du lich phải mất 5 ngày đến 1 tuần. Khi loại hình du lịch thể thao phát triển mạnh tại Lào Cai, nhiều doanh nghiệp lữ hành phối hợp với người dân bản địa chuyên đi rừng núi và cơ quan chức năng khảo sát đã hình thành tuyến đường chinh phục đỉnh núi cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Cung đường được xem là con đường thử thách nhất cũng phải mất 4 ngày tính cả lên và xuống núi. Khách du lich đi từ bản Cát Cát ở độ cao 1.245 mét và dừng chân ở độ cao 2.150 mét có điểm cắm trại, dịch vụ ăn uống phục vụ khách leo núi. Người leo núi còn dừng chân ở độ cao 1.720 mét dùng cơm trưa và nghỉ ngơi. Ngày hôm sau, khách du lich phải vượt những con dốc thẳng đứng, những con suối lạnh buốt để vượt thêm khoảng 500 mét thì trời đã tối nên phải dừng chân lại điểm cắm trại. Ngày thứ 3 chinh phục đỉnh núi, khách du lich đi từ một con đường ngoằn ngoèo lên và phải nghỉ giữa hiệp ở vị trí 2.680 mét trước khi trèo lên vách núi cheo leo để chạm tay vào nóc nhà ở độ cao 3.143 mét. Cung đường này được xem là lý tưởng đối với khách trẻ, thích chinh phục độ cao, nguy hiểm. Trên đường đi, khách du lich sẽ rất thích thú khi băng rừng, vượt thác và trèo lên những mỏm đá cheo leo. Cung đường này cũng là nơi khách du lich được ngắm bình minh đẹp đẽ vào mỗi ngày mới với nhiều phong cảnh đẹp, hữu tình.

Cung đường thứ hai điểm xuất phát từ Sín Chải ở vị trí 1.260 mét, đi thẳng đến độ cao 2.000 mét rồi dừng chân nghỉ qua đêm. Cung đường này khó khăn không kém cung đường Cát Cát. Ngày thứ hai, khách du lich tiếp tục vượt những đồi dốc đến nghẹt thở để chinh phục đỉnh cao nhất của núi. Khi trở về, khách du lich có thể đi theo đường cũ hoặc rẽ sang đường xuống Trại Tôn để trở về chân núi.

Cung đường thứ ba xuất phát từ Trại Tôn ở độ cao gần 2.000 mét. Đi theo tuyến này, khách du lich chỉ mất 2 ngày, gồm 1 ngày rưỡi lên núi và nửa ngày xuống núi. Chỉ trong ngày đầu, khách du lich đã lên đến độ cao 2.800 mét rồi đến đỉnh núi ngay sáng hôm sau. Tuy nhiên, với những tay leo núi chuyên nghiệp, cung đường này được xem là đường dành cho bà mẹ mang thai và có con nhỏ, rất ít được họ lựa chọn. Thường chỉ có những khách du lich leo núi Fansipan lần đầu mới chọn cung đường này để vừa đạt được đích đến là nóc nhà Đông Dương và bảo dưỡng sức khỏe để tham quan tiếp các điểm khác trong không gian lãng mạn của Sa Pa.

Chinh phục Fansipan quả gian nan nhưng là điều tuyệt vời. Trên đường đi, khách du lich thường bị vướng vào mây. Từ độ cao khoảng 2.000-2.500 mét, có khi chỉ ở độ cao 1.600-1.800 mét, khách du lich đã vượt khỏi những tầng mây để thưởng lãm không gian cao vút, mênh mông của núi non, của đất trời. Mây là đà dưới chân khách du lich đứng cao vút bên trên, có khi là mỏm đá cheo leo... là một cảm giác tuyệt vời. Chính vì những cảm giác này và những cung đường đẹp, có người đã lên đỉnh Fansipan hơn 10 lần, có người đã đi vài chục lần.

Khách du lich mới đi chinh phục đỉnh núi một vài lần đầu đều phải nhờ đến người dẫn đường và mang vác đồ đạc. Thông thường một hướng dẫn kiêm mang vác đồ đạc phục vụ hai khách du lich. Nếu đã rành mạch, có sự chuẩn bị thể lực tốt, đoàn khách 10 người có thể chỉ thuê 1-2 người dẫn đường để tiết kiệm chi phí. Giá thuê người dẫn đường hiện khoảng 200.000-300.000 đồng/ngày. Khách du lich có thể liên hệ với các doanh nghiệp lữ hành tại Sa Pa để được chăm sóc tốt và không phải lo lắng nhiều cho chuyến đi. Thời điểm đi tốt nhất là từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Khoảng tháng 2 hàng năm, hoa núi dệt suốt chiều dài đường lên đỉnh núi khiến con đường càng thêm thơ mộng, giảm bớt một phần mệt mỏi cho khách du lich. Tuy nhiên, thời điểm từ khoảng tháng 12 đến tháng 1 năm sau, tiết trời lạnh, khách du lich đi nhiều, chinh phục Fansipan mới thú vị...

Ngoài việc tập thể lực để chuẩn bị cho chuyến vượt lên chính mình, những người chuẩn bị chinh phục Fansipan cần biết:

-Ba-lô không thấm nước hoặc lót ni-lông bên trong để giữ đồ không bị ướt. Ba-lô còn phải có dây đeo ngang bụng và ngực để giữa cho ba lô sát người, không kéo người trở lại khi leo dốc thẳng đứng.
-Giày phải lớn hơn 1 số so với giày bình thường để có thể mang 2 đôi vớ và không bị hư đầu móng chân khi đi xuống.
-Mang theo quần áo giữ ấm, quần áo nhẹ khi ngủ, nón tai bèo dùng để đi rừng…; kem chống nứt nẻ nếu đi vào mùa đông.
-Mang theo, đồ ăn nên có sô-cô-la, kẹo giàu gluco, sữa hộp… để bổ sung dinh dưỡng trên đường đi
Hình đại diện của người dùng
travelgo
 
Bài viết: 145
Ngày tham gia: 23 Tháng 6 2010 11:22

Kinh nghiệm chinh phục đỉnh Phan-Xi-Păng

gửi bởi travelgo 17 Tháng 1 2011 15:56

Đỉnh Phan-xi-păng nằm trên dãy núi Hoàng Liên Sơn (thuộc tỉnh Lào Cai), cao 3.143m so với mực nước biển còn được gọi là nóc nhà Đông Dương. Chinh phục đỉnh Phan (dân du lịch thường gọi thế) là mơ ước của rất nhiều người. Hay theo như một câu nói đã được dân du lịch bụi truyền tụng: “ Phi Phan bất phượt kí” – nghĩa là chưa leo đến đình Phan-xi-păng thì không phải là dân “Phượt”.

Trước đây, leo Phan-xi-păng mất khoảng 5-6 ngày, giờ thì không cần phải tốn nhiều thời gian đến thế. Hiện nay, việc leo lên đỉnh Phan-xi-păng không còn quá khó khăn. Nhà nhà đi Phan, người người leo Phan. Đường nhiều người đi đã mòn cả lối. Thế nhưng Phan-xi-păng không là một điều gì đó dễ dàng, nó vẫn là một thử thách rất đáng để chúng ta vượt qua. Nhiều người leo Phan-xi-păng đã phải bỏ giữa chừng vì không được chuẩn bị tốt về sức lực, hành trang và tinh thần. Chắc chắn chỉ cần quyết tâm, ai cũng có thể lên đến đỉnh.

1. Chuẩn bị leo núi:

* Luyện thể lực
Theo kinh nghiệm của những người đã leo Phan-xi-păng, bạn nên tập luyên để có một thể lực tốt Bạn nên tập thể lực 1 đến 2 tháng trước khi thực hiện chuyến leo núi Phan. Đầu tiên là khởi động kỹ các khớp, để tránh gây ra chấn thương lãng xẹt như: khớp háng, đầu gối, mắt cá chân... Bước tiếp theo kết hợp đi bộ, leo cầu thang hoặc chạy trong thời gian ít nhất 1 giờ; tập khoác ba lô (nặng 5kg) trên đường dốc... Các bài tập này nhằm đánh giá khả năng đi bộ của bạn.

* Trang phục
Trên đường đi Phan-xi-păng, bạn sẽ gặp những thời tiết đa dạng, thay đổi nhanh tới mức chóng mặt. Không chuẩn bị kỹ càng về trang phục có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bạn và kéo theo là cuộc hành trình có thể dang dở.

Dưới đây là những trang phục bạn cần có.

- Balô: Loại có quai đeo mềm, có dây thắt quanh bụng, để đi cho đỡ nặng, có túi cạnh để nước. Không nhất thiết loại chống nước, vì tốt nhất là có một túi nylon to bên trong, mọi đồ đều cho trong túi nylon đó, balô có ướt, bẩn cũng không sao. Khi đi quai balô nên kéo cao, để lực dồn lên vai, không kéo người về sau rất khó chịu.

- Giầy: Từ trước tới giờ mọi người thường lựa chọn giầy bộ đội cho chuyến leo Phan của mình. Nó vừa rẻ (70k/đôi cao cổ có kèm tất chống vắt), lại cũng tương đối gọn gàng, bám đường cũng tốt. Tuy vậy giầy không được êm và phần trong giầy không được nhẵn nên trong quá trình cọ sát có thể gây phồng rộp, ngoài ra giầy cũng ko chống nước nên khi ướt sẽ làm lạnh bàn chân.

Nếu có điều kiện thì bạn nên sắm cho mình một đôi giầy chuyên dành cho việc trekking để bảo vệ đôi chân của mình (những hãng chuyên về đồ thể thao như Nortface, Nike, Starfoce... rất sẵn các loại giày này).

- Tất: Đi 2 đôi tất sẽ làm giảm sự cọ xát với giầy, tránh chân bị rộp. Nếu bạn e ngại bọn vắt thì nên có thêm một đôi tất dài, ít nhất là tới đầu gối. Tất chống vắt ngoài Lê Duẩn bán cũng chỉ đơn thuần vậy thôi. Có cả loại tất nilon để đi ra ngoài chống ướt, loại này rất nhanh rách, mỗi ngày sẽ cần thay ít nhất 1 lần. Có thể tìm loại này ở Yết Kiêu.

- Bọc khớp mắt cá và đầu gối: Giúp bảo vệ tránh trật khớp cho các bộ phận này, đồng thời giảm trấn thương khi va chạm.

- Quần: không nên mặc quần jeans. Tốt nhất là quần kaki rộng rãi một chút, phần gấu có thể có dây để thắt lại cho gọn gàng. Mang 2 cái là đủ, một cái mặc ban ngày và một cái giữ khô ráo để mặc khi đi ngủ.

- Áo: Nên mặc nhiều áo mỏng hơn là ít áo dày để khi nóng mình cởi ra từng thứ một, tránh gây cảm lạnh. Tốt nhất là áo thun dài tay, thấm mồ hôi.

- Găng tay: Để mình có thể tự tin bám đá, bám trúc khi đi chuyển. Dùng loại có hạt nhựa ở lòng bàn tay. Cần 1 đôi/ngày.

- Mũ: Mũ mềm, nếu trời lạnh thì nên có một mũ kiểu biên phòng, trùm tai và gáy.

Ngoài ra, một số đồ sơ cứu y tế và bánh kẹo, đồ uống... sẽ không bao giờ thừa. Mỗi người cần đeo một cái còi ở trên cổ (24/24) đề phòng lúc cần báo động (như bị tai nạn, cần trợ giúp..)

* Đồ dùng

- Lều ngủ: Chuẩn bị lều ngủ vì trên đường đi có 2 chặng nghỉ đêm một điểm ở độ cao 2.200m nhiệt độ ở điểm này thường vào mùa đông khoảng 8-10oC vào mùa hè khoảng 12-15oC, điểm còn lại ở độ cao 2.800m mùa đông khoảng 1-5oC mùa hè khoảng 10-15oC. Tuỳ theo sức khoẻ của bạn áp dụng cho hành trình (2 ngày 1 đêm) hoặc (3 ngày 2 đêm). Nếu Bạn đi (2 ngày 1 đêm) thì thông thường nên ngủ ở độ cao 2.800m. Nếu đi (3 ngày 2 đêm) thì đêm 1 ngủ 2.200, đêm 2 lại ngủ ở 2.200 và trở về bằng đường Sinchải thì đẹp hơn. Mỗi điểm ngủ này thường chỉ ngủ được 15-20 người. Nên vào những ngày nghỉ khách đi nhiều có thể sẽ hết chỗ ngủ. Vì vậy Bạn nên mang theo lều ngủ, túi ngủ cho chắc chắn về chỗ ngủ của bạn. Lều ngủ có nhiều loại - loại dành cho 2 người, 3 người, 10 người… tuỳ theo số lượng người trong đoàn của Bạn.

- Đồ ăn: Cần nhất là đồ tạo năng lượng nhanh: chocolate, pho mát sợi, bò cười, C sủi, ruốc 2 lạng/người/ngày…. Nên mang theo một số loại quả có hàm lượng dinh dưỡng cao như quýt, cam, xoài… để ăn dọc đường lấy lại sức.

Bạn nhớ mang theo giấy ăn, tăm, giấy vệ sinh, dao gọt hoa quả...

- Nước uống: Mỗi người khoảng 3 - 4 chai nước lọc nhỏ, cà phê tan, trà gừng.
Nước nên uống nhấm nháp làm nhiều lần không nên uống đầy bụng sẽ rất khó di chuyển và dễ bị tức bụng. Khi mệt nên hít thở bằng mũi cho đỡ hại phổi và thở ra bằng miệng sẽ giữ được sức bền tốt hơn.

Ngoài ra, các vật dụng cá nhân như khăn mặt, bàn chải, kem đánh răng, giấy vệ sinh, băng salonpas hoặc deep heat; đèn pin và mang nhiều túi nylon to nhỏ để bỏ đồ vào tránh mưa ướt.

2. Trong quá trình leo

Nên chọn một người dẫn đường thông thạo địa hình, nhiệt tình người này có thể là người Mông hoặc những hướng dẫn bản địa tại Sapa thì càng tốt nhưng chi phi cao hơn chút.

Khi leo núi, bạn phải giữ cho hơi thở điều hoà, nếu thở nhanh hay hổn hển có nghĩa là các bạn đã đi quá sức, hãy tạm nghỉ chừng 5 – 10 phút (không nên nghỉ lâu, vì bắp thịt sẽ bị lạnh và giãn cơ, gây đau nhức do bị phản ứng).

Trong trường hợp gặp dốc đứng, các bạn men theo triền để tiến lên theo hình chữ Z, sử dụng thêm cả hai tay để hỗ trợ bằng cách bám vào đá, thân, rễ cây... Nhưng nhớ ướm thử độ chắc chắn của những vật mà bạn dùng làm điểm tựa.

Khi xuống núi, các bạn cần cẩn thận, không nên đi quá nhanh (cho dù trọng lượng của cơ thể và hành lý như đẩy các bạn chạy về phía trước), vì rất dễ bị vấp ngã, lăn xuống dưới. Khi xuống dốc, hãy khom người và chùn đầu gối lại, giữ cho ba lô ổn định và cân đối trên lưng. Nếu đi thẳng người, trọng tâm balô sẽ nằm phía sau, khiến bạn dễ bị trượt ngã. Nếu dốc khá đứng, bạn xoay người lại đối diện với vách núi, sử dụng luôn cả hai tay để bám mà leo xuống.

Hãy bảo vệ rừng, giữ vệ sinh môi trường và thực một số nội quy của Vườn quốc gia Hoàng Liên như: không vứt rác trên dọc đường đi, khi có rác bạn nên cho vào túi hoặc ba lô đến mỗi điểm dừng chân ạn cho vào thùng đựng rác; không khắc lên đã, khắc lên cây trên dọc đường đi; không tự ý chặt cây, đốt lửa trong rừng đặc biệt vào mùa khô.
We wrote the travel experience in Vietnam, information about famous tourist destinations, suggestions for good foods. Learn more at VietnamTravelGo - Vietnam travel guide
Hình đại diện của người dùng
luyenvnit
 
Bài viết: 7
Ngày tham gia: 19 Tháng 4 2012 16:30

Những điều cần biết khi tham gia tour Fansipan

gửi bởi luyenvnit 23 Tháng 4 2012 14:38

- Với đỉnh cao 3.143m, Fansipan là ngọn núi cao nhất thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, được mệnh danh là nóc nhà của Đông Dương. Vẻ đẹp mê hồn của rừng hoa đỗ quyên, rừng trúc, rừng tùng, và cảnh sắc hùng vỹ khiến du khách như lạc vào vườn cổ tích.

Để chuẩn bị tốt cho hành trình chinh phục Fansipan – “nóc nhà Đông Dương”, du lịch theo tour xin giới thiệu với du khách một số điều cần biết trước khi tham gia tour này:
1. Trước khi đi Fansipan, nên đi bộ buổi sáng và buổi chiều ít nhất 10 phút mỗi ngày.
2. Mang theo trang phục gọn gàng thuận tiện cho việc leo núi:


  • Một cái ba lô không được quá 4,5 kg
  • Một đôi giầy leo núi có ma sát nhẹ (Giầy vải bộ đội…)
  • 2 đến 3 đôi tất
  • Găng tay leo núi nhẹ, gọn
  • Một cái áo khoác mỏng nhưng tương đối ấm, không hút ẩm
  • Một cái mũ kiểu mũ tai bèo gọn, nhẹ
  • Một cái áo mưa chụp cả người gọn nhẹ

3. Mang theo máy ảnh hoặc máy quay gọn nhẹ có túi an toàn
4. Mang theo máy điện thoại, loại rẻ tiền gọn nhẹ để tránh rơi hỏng .
5. Mang theo ống nhòm nếu có
6. Mang theo 01 đèn pin nhỏ
7. Mang theo đồ ăn vặt mà cá nhân thường dùng (Như kẹo cao su, thuốc hút, …nhưng phải gọn nhẹ)
8. Mang theo một số thuốc uống mà cá nhân thường dùng cho bệnh tật của mình (nếu có), ngoài ra như thuốc cảm cúm, đường ruột… gọn nhẹ.
9. Mang theo sổ tay nhỏbút để tiện ghi chép.
10. Mang theo một tuýp Salonpast
để xoa bóp tránh chuột rút.
11. Luôn đúng giờ và nghe theo chỉ dẫn của hướng dẫn viên và những người dẫn đường
Hình đại diện của người dùng
utrip
 
Bài viết: 2
Ngày tham gia: 12 Tháng 10 2011 16:07

Kinh nghiệm leo Phansipang

gửi bởi utrip 21 Tháng 9 2012 14:19

Bạn muốn có một chuyến đi du lịch dã ngoại, cắm trại hoặc leo núi hoàn hảo thì cần một sự chuẩn bị và sắp xếp chu đáo cho chuyến đi đó. Đôi khi những vật dụng tưởng chừng như rất đơn giản nhưng lại rất hữu ích cho chuyến đi của bạn
Đồ dùng hàng ngày trong chuyến đi:
1.Lều có nhiều loại lều cho số lượng người khác nhau như lều cho 2 người, 3 người,…thậm chí có lều cho nhóm 12 người và nhiều hơn. Khi mua hoặc thuê lều bạn cần lưu ý những chi tiết sau:
- Lều phải chống nước
- Có lỗ thông hơi
- Dễ tháo lắp và có thể dựng trên mọi địa hình. Một số loại lều chuyên dụng tương đối phức tạp khi lắp gép và chỉ cắm được trên nền đất ví phải đóng cọc căng dây.
- Cửa lều có thêm một lớp màn chống muỗi
- Đáy lều bằng bạt dày và chống nước để tránh bị thủng, rách khi dựng lều trên bệ mặt có đá nhọn hoặc cây gai.
- Cọc lều tốt nhất là loại làm bằng cacbon tổng hợp vì chịu lực và chịu uốn tốt hơn cọc lều bằng nhôm.

2.Túi ngủ tùy vào địa hình và thời tiết mình đi để chọn một chiếc túi ngủ sao cho phù hợp. Đây cũng là vật dụng không thể thiếu khi cắm trại trên núi. Có nhiều loại túi ngủ dành cho các khoảng nhiệt độ khác nhau từ 20oC đến -20oC. Khi mua túi ngủ cần phải biết túi ngủ đó sử dụng cho khoảng nhiệt độ bao nhiêu.

3.Đèn, đèn pin cũng rất cần thiết trong các chuyến đi đặc biệt là đi các vùng rừng , núi.Nên chọn đèn bong led như vậy sẽ tiết kiệm năng lượng và siêu sáng hơn các loại đèn thong thường.

4.Đồ nấu ăn

Thông thường khi tổ chức các chuyến chinh phục Fan bạn sẽ cần người địa phương dẫn đường và nấu ăn. Tuy nhiên nếu bạn muốn có trải nghiệm thực sự khác biệt, bạn có thể tự nấu ăn. Khi đó bạn sẽ phải chuẩn bị các đồ nấu ăn như sau: Xong, bát, đĩa, thìa, dĩa,… Tiêu chí cho việc chon các đồ này là gọn, nhẹ và đa năng. Một thiết bị khác không thể thiếu là bếp, bạn có 2 lựa chon sau:
+ Dùng 3 hòn đá chụm vào nhau và nhặt củi đốt lửa làm bếp, nếu dùng cách này phải thật cẩn thận kiểm soát ngọn lửa tránh để lửa cháy lan ra gây cháy rừng. Nếu dự định nấu ăn kiểu này bạn cần chuẩn bị một chai dầu hỏa hoặc xăng để mồi lửa.
Lưu ý: nếu trời mưa to bạn sẽ gặp khó khăn thực sự với việc kiếm củi đốt lửa.
+ Dùng bếp ga du lịch (loại thông thường hoặc chuyên dụng): với cách này ban không sợ mưa gió nhưng hành trang của bạn sẽ nặng hơn.

5.Một bộ sơ cấp cứu cơ bản loại cơ bản dùng cho cá nhân có kích thước nhỏ gọn. Các loại thuốc và dụng cụ y tế cần có bao gồm:
+ thuốc giảm sốt
+ thuốc tiêu chảy
+ thuốc bôi chống côn trùng đốt
+ thuốc sát trùng
+ dầu nóng/dầu gió
+ băng ego các cỡ
+ bông y tế
+ kéo y tế
+ băng dính y tế
+ gạc tiệt trùng
+ băng co dãn (dành cho trường hợp bị bong gân).
Lưu ý: tất cả các loại thuốc và dụng cụ y tế cần phải để trong túi nilon bên trong túi cứ thương để tránh nước ngấm vào.

6.Quần áo và giày dép:

Giầy nên chọn loại cao cổ, chống nước (waterproof), đế cao su không quá cứng, có nhiều gai và có ma sát tốt.

Áo Vì thời tiết trên Phansipang luôn lạnh nên cần phải có áo khoác ấm và tốt nhất là loại chống nước. Trên thị trường hiên có loại áo sử dụng công nghệ Gotex chống nước và rất ấm nhưng vẫn thoáng khí (breathable). Dưới đây là gợi ý cho số lượng quần áo mang theo tùy thuộc vào số ngày leo núi:
+ 2 ngày: 1 áo khoác ấm (jacket), 1 áo bó cao cổ bằng nỉ hoặc len, 2 quần dài (tốt nhất là chất liệu gotex), 2 áo lót cộc tay hoặc dài tay, 2 quần lót.
+ 3-4ngày: 1 áo khoác ấm (jacket), 1 áo bó sát cao cổ bằng nỉ hoặc len, 3 quần dài (tốt nhất là chất liệu gotex), 3 áo lót cộc tay hoặc dài tay, 3 quần lót.
Lưu ý: Các phượt thủ là nữ có thể điều chỉnh số lượng quần lót và áo lót phù hợp với yêu cầu vệ sinh cá nhân của mình.
Vào thời điểm lạnh nhất cần mang theo cả quần bó sát mặc bên trong (loại Dệt Kim Đông Xuân vẫn bán), mũ len trùm tai và găng tay dày.

7.Áo mưa nhẹ và ô che loại gập bỏ túi tránh các trường hợp mưa và bẩn và những thời tiết bất thưởng sảy ra.Trong các chuyến đi nên chọn những đồ dung đơn giản và gọn nhẹ.

8.Găng tay

Ngoài loại găng tay giữ ấm khi thời tiết lạnh giá. Bạn có thể sẽ cần găng tay mỏng hơn và có các hạt cao su trên bề mặt ngón tay giúp tăng độ bám khi leo qua những rễ cây hoặc đá rêu trơn.

9.Mũ đội đầu là một sản phẩm đi nắng rất tuyệt vời. Vì mũ có khả năng chống lại tia UV và có vành rộng (vành mũ rộng 9 cm) giúp bảo vệ bạn khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. Mặt khác, với chất liệu 100% polyester nên mũ có khả năng thấm mồ hôi tốt, nhanh khô cho bạn cảm giác khô thoáng và mát mẻ khi đội.
Hình đại diện của người dùng
kenpas
 
Bài viết: 5
Ngày tham gia: 25 Tháng 3 2013 14:39

những điều cần biết khi leo Phan xi păng

gửi bởi kenpas 26 Tháng 3 2013 14:18

Những điều cần biết khi leo núi Phanxipang
Giới trẻ hiện nay rất ưa chuộng loại hình du lịch vận động, như băng rừng, vượt suối và đặc biệt là leo núi. Song, bạn cần biết những kỹ năng cơ bản.
leonui 1.png
Đỉnh núi


Một trong những điểm đến được ưa thích chính là Phan-xi-păng. Thế nhưng đi leo núi cần chuẩn bị những gì?
Đỉnh Phan-xi-păng nằm trên dãy núi Hoàng Liên Sơn (thuộc tỉnh Lào Cai), cao 3.143m so với mực nước biển còn được gọi là nóc nhà Đông Dương.
Trước đây, leo Phan-xi-păng mất khoảng 5-6 ngày, giờ thì không cần phải tốn nhiều thời gian đến thế. Chinh phục đỉnh Fan (dân du lịch thường gọi thế), cảm giác được chạm tay vào cái chóp cao nhất Đông Dương vẫn làm cho con tim những kẻ mê du lịch mạo hiểm đập loạn nhịp.

Luyện thể lực
Theo kinh nghiệm của dân phượt, để có đủ sức khỏe chinh phục thử thách mà không bị bỏ cuộc giữa chừng, yêu cầu đầu tiên là thể lực. Bạn nên tập thể lực 1 đến 2 tháng trước khi thực hiện chuyến leo núi Fan. Đầu tiên là khởi động kỹ các khớp, để tránh gây ra chấn thương lãng xẹt như: khớp háng, đầu gối, mắt cá chân... Bước tiếp theo kết hợp đi bộ, leo cầu thang hoặc chạy trong thời gian ít nhất 1 giờ; tập khoác ba lô (nặng 5kg) trên đường dốc... Các bài tập này nhằm đánh giá khả năng đi bộ của bạn.

Trang phục
Trên đường đi Phan-xi-păng, chúng ta sẽ gặp những thời tiết đa dạng, thay đổi nhanh tới mức chóng mặt. Những trang phục không thể thiếu trong chuyến đi đó là giày. Thường thì giới du lịch mạo hiểm chỉ cần một đôi giày bộ đội tương đối gọn gàng, độ bám tốt, giá rẻ, chỉ khoảng 70.000 đồng/đôi, loại cao cổ có kèm tất chống vắt. Tuy vậy giày không được êm và phần trong không được nhẵn nên trong quá trình cọ sát có thể gây phồng rộp.
leonui 1.1.png


Ngoài ra, giày cũng không chống thấm nước nên khi ướt sẽ làm lạnh bàn chân. Vì vậy, nếu có điều kiện, bạn nên sắm cho mình một đôi giày chuyên dành cho trekking để bảo vệ đôi chân của mình.

Nếu bạn e ngại loài vắt “tấn công”, nên có thêm một đôi tất dài, ít nhất là tới đầu gối. Có cả loại tất nylon chống ướt, loại này rất nhanh rách, mỗi ngày sẽ cần thay ít nhất 1 lần.

Một lưu ý nhỏ là bạn không nên mặc quần jeans, tốt nhất là quần kaki rộng rãi, phần gấu có dây để thắt lại cho gọn gàng. Nên mặc loại áo thun dài tay, thấm mồ hôi. Để an toàn và giảm chấn thương trong chuyến đi, bạn nên bọc khớp mắt cá và đầu gối, đeo găng tay, đội mũ, và nhớ đem áo mưa... Ngoài ra, một số đồ sơ cứu y tế và bánh kẹo, đồ uống... sẽ không bao giờ thừa.

Kinh nghiệm leo núi
Bạn nhớ giữ cho hơi thở điều hòa, nếu thở nhanh hay hổn hển có nghĩa là các bạn đã đi quá sức, hãy tạm nghỉ chừng 5–10 phút, không nên nghỉ lâu. Trong trường hợp gặp dốc đứng, các bạn men theo triền để tiến lên theo hình chữ Z, sử dụng thêm cả hai tay để hỗ trợ bằng cách bám vào đá, thân, rễ cây... Nhưng nhớ ướm thử độ chắc chắn của những vật mà bạn dùng làm điểm tựa.
leonui 1.2.png

Khi xuống núi, các bạn cần cẩn thận, không nên đi quá nhanh (cho dù trọng lượng của cơ thể và hành lý như đẩy các bạn chạy về phía trước), vì rất dễ bị vấp ngã, lăn xuống dưới. Khi xuống dốc, hãy khom người và chùn đầu gối lại, giữ cho ba lô ổn định và cân đối trên lưng. Nếu đi thẳng người, trọng tâm ba lô sẽ nằm phía sau, khiến bạn dễ bị trượt ngã. Nếu dốc khá đứng, bạn xoay người lại đối diện với vách núi, sử dụng luôn cả hai tay để bám mà leo xuống.

Bạn nên biết những kỹ năng cơ bản trên để chinh phục đỉnh cao Fan thành công và có thật nhiều kỷ niệm đẹp sau chuyến đi.
Quay về Du lịch Miền Bắc
 


  • Bài Viết Liên Quan
    Trả lời
    Xem
    Bài viết sau cùng

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.1 khách.