Cùng với rau ranh, ốc đá và nhiều món ăn khác, thiên nhiên còn ưu đãi ban tặng cho miền tây Quảng Ngãi có nguồn cá niên tương đối dồi dào. Và từ lâu, cá niên đã là món ăn đặc sản Quảng Ngãi, rất nổi tiếng của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền tây Quảng Ngãi. Cá niên tiếng đồng bào dân tộc Hrê gọi là cailin; còn người Kor gọi là cadalết. Loài cá qúi hiếm này sinh trưởng tự nhiên trên khắp các sông suối thuộc các huyện miền núi: Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long, Trà Bồng, Tây Trà và Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi). Cá niên thường sống theo bầy đàn, tập trung nhiều nhất ở những vùng nước sâu và lạnh dọc theo các con suối gần thác nước.
Nhìn bề ngoài, hình dạng cá niên hơi giống cá chép nhưng thân mình thon thả hơn. Cá niên khi trưởng thành to bằng 3 ngón tay gép lại và dài khoảng hơn gang tay người lớn. Vẩy cá có mầu ánh bạc và phần vây pha chút màu vàng nhạt óng ánh dưới ánh nắng mặt trời. Cá niên có hình dáng đẹp, lại sống ở nguồn nước trong xanh và ăn rong rêu dưới suối nên rất sạch. Chính vì vậy, trong tâm thức của người Hrê, cá niên là hiện thân cho cái đẹp. Thú vị hơn, người Hrê thường dùng cụm từ: Lem tia cailin - tức là đẹp như con cá niên để khen ngợi những người con gái mới lớn xinh đẹp một cách hoàn thiện từ vóc dáng, tâm hồn đến tính cách.
Người dân miền núi Quảng Ngãi khai thác được cá niên quanh năm, nhưng nhiều và ngon nhất là vào khoảng tháng chạp âm lịch hàng năm. Vào lúc này, mùa mưa ở núi rừng miền Trung đã bớt xối xả. Lưu lượng nước trên các sông suối cũng đã giảm nhiều, không còn đục và hung dữ. Khi các dòng sông suối đã trở lại hiền hoà trong xanh cũng là lúc bà con dân làng rủ nhau đi bắt cá niên.
Ngày xưa, địa bàn miền núi Quảng Ngãi còn nhiều cách trở. Cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số khó khăn thiếu thốn đủ thứ. Sau mùa mưa, lương thực, thực phẩm ít ỏi dự trữ được cũng đã cạn kiệt. Vì vậy, hơn lúc nào hết nguồn dinh dưỡng từ cá niên lúc này càng trở nên qúi giá vô cùng.
Khác hẳn với ban ngày rất tinh ranh, về đêm cá niên trở nên chậm chạp và thường nép mình vào những hang đá dưới suối để trú ngụ. Có lẽ vì đặc điểm này mà người dân miền núi thường đi bắt cá niên vào ban đêm. Thường là vào những đêm trăng sáng, những người đàn ông, con trai trong làng rủ nhau đi ra suối, dùng tay mò bắt cá niên đang nép mình trong các hang đá.
Cá niên bắt về, rửa sạch chế biến thành nhiều món ăn ngon, như: luộc, nướng, làm gỏi...., nhưng thông thường và ngon nhất vẫn là món cá niên luộc. Thịt cá niên vàng ươm, mùi vị thơm ngon, cùng với đó là chén muối được gĩa nhuyễn với ớt rừng. Vị béo, vị bùi, vị ngọt và một chút nhân nhẩn đắng của ruột cá niên hoà quyện vớt vị cay cay, thơm thơm của ớt rừng … tạo nên mùi vị độc đáo và hấp dẫn rất riêng, hoàn toàn không lẩn vào đâu. Nhưng hấp dẫn hơn, theo bà con miền núi thì ruột cá mới là phần ngon nhất. Ruột cá niên có vị nhân nhẩn đắng. Lúc đầu chưa quen rất khó ăn, nhưng chính cái vị nhân nhẩn đắng ấy đã làm nhiều người ăn quen thành nghiện.
Ngày xưa, bà con miền núi bắt cá rất đơn giản, hoàn toàn không sử dụng bất cứ phương tiện nào. Rất hay là bà con chỉ bắt đủ lượng cá vừa phải để dùng. Chính vì vậy, qua năm tháng, cá niên không bị cạn kiệt. Thời gian gần đây, giao lưu giữa miền núi và miền xuôi trở nên nhộn nhịp. Cùng với qúa trình đó, món ăn đặc sản từ cá niên đã vượt không gian, trở nên nổi tiếng và vì vậy loài cá này đã và đang bị khai thác qúa mức để phục vụ quán ăn, nhà hàng trên núi, dưới xuôi. Rất may là thời gian gần đây, đề tài nghiên cứu về cá niên đã được triển khai. Hy vọng rằng, với sự thành công bước đầu của đề tài này sẽ chẳng những góp phần bảo tồn được loài cá ngon, qúi hiếm mà còn mở ra hướng làm ăn mới, mang lại nhiều lợi ích cho bà con đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền tây Quảng Ngãi. Và như vậy, chúng ta sẽ còn có cơ hội để thưởng thức cái hương vị độc đáo của loài cá qúi hiếm này./.
Theo: nguoiquangngai.vn