Chia sẻ kinh nghiệm du lịch các địa điểm Miền Bắc như: Hà Nội, Sapa, Hạ Long, Ninh Bình...
Hình đại diện của người dùng
minhnhat
 
Bài viết: 39
Ngày tham gia: 15 Tháng 9 2011 09:31

Tổng hợp kinh nghiệm du lịch Hà Giang

gửi bởi minhnhat 04 Tháng 11 2011 15:21

Topic tổng hợp những kinh nghiệm du lịch Hà Giang.

Giới Thiệu du lich Hà Giang

Là một tỉnh có điều kiện khí hậu, tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, nhưng lại được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh hùng vĩ. Bao đời nay Hà Giang luôn là “phên dậu” bảo vệ tổ quốc ở biên giới phía Bắc… Và cũng chính vị trí địa lý – kinh tế – chính trị quan trọng này đã tạo cho Hà Giang thuận lợi trong việc giao lưu phát triển kinh tế và thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Hình ảnh

Khí hậu, quanh năm mát mẻ, không khí trong lành, Hà Giang luôn là địa chỉ du lịch hấp dẫn và bổ ích đối với du khách. Địa hình hiểm trở, nhưng rất kỳ vĩ, có núi cao, cao nguyên và cả thung lũng, địa hình nhiều sông suối, trong đó có nhiều suối nước nóng trữ lượng lớn với hàm lượng khoáng chất cao, rất tốt cho sức khoẻ. Ngoài ra, thiên nhiên đã kỳ tạo cho Hà Giang nhiều thắng cảnh hùng vĩ, ngoạn mục như đỉnh Tây Côn Lĩnh, Thác Thuý, Thác Bay, Thạch Nhũ Đôi, Cổng trời Quản Bạ, đỉnh Mã Pì Lèng, Cột cờ Lũng Cú - nơi đỉnh đầu của Tổ quốc, khu du lịch Tam Sơn - núi Tiên... cùng nhiều ghềnh thác, hang động với nhiều hình khối, đường nét kỳ thú và hấp dẫn.

Cùng đó, Hà Giang còn có cả một kho tàng văn hoá phong phú, đa dạng với hơn 20 dân tộc đang sinh sống, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hoá riêng, độc đáo, thể hiện qua các phong tục tập quán, lễ hội, tôn giáo... và những di sản văn hoá dân gian như thơ ca, truyện cổ, thành ngữ, tục ngữ... đặc biệt là hình thức dân ca, dân vũ với nghệ thuật biểu diễn đạt đến đỉnh cao như khèn của người Mông, hát Lượn, Cọi của người Tày, Sli của người Nùng... Riêng về lễ hội, Hà Giang có tới 17 lễ hội, chủ yếu là các lễ hội dân gian, trong đó có những lễ hội mang tính cộng đồng điển hình như Lễ “Cấp sắc” của người Dao, “Gầu Tào” của người Mông, “Nhảy lửa” của người Pà Thẻn, “Lồng Tồng” của người Tày...

Đây không chỉ là niềm tự hào của riêng đồng bào các dân tộc Hà Giang mà còn là niềm tự hào chung của cả nước. Và đặc biệt hơn, đến Hà Giang ai cũng muốn đến ghé thăm Chợ tình Khau Vai, nơi hò hẹn của những đôi trai gái, đôi lứa yêu nhau và cả của những người đã từng yêu nhau mà không lấy được nhau, nơi còn được gọi bằng cái tên thật đẹp “Chợ tình Phong lưu”. Điều hấp dẫn khi du khách đến Hà Giang còn là ở các đặc sản, những sản vật nơi đây như: Thịt bò khô, thắng cố, cháo ấu tẩu, lơ khẩy vv… là những món ăn đặc sản nổi tiếng ở Hà Giang. Ngoài ra, Hà Giang còn nổi tiếng với các loại hoa quả như cam sành (Bắc Quang); mận hậu (Xín Mần); đào, lê (Đồng Văn); chè Shan tuyết (Hoàng Su Phì)… Nhiều loại dược liệu quý, hiếm mà chỉ Hà Giang mới có, như: Đỗ trọng, Xuyên khung, Hoàng tinh, Tam thất…Với những tài nguyên du lịch phong phú nói trên, cho thấy đây chính là thế mạnh để Hà Giang phát triển loại hình du lịch cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm:
Thông tin du lịch vùng Tây Bắc
Kinh nghiệm du lịch Sapa
Kinh nghiệm du lịch Hạ Long
Kinh nghiệm leo núi Fansipan
Hướng dẫn du lịch Hà Nội
Hình đại diện của người dùng
oanhoanh2qdt
 
Bài viết: 13
Ngày tham gia: 24 Tháng 11 2011 12:01

hà giang - vẻ đẹp tiềm ẩn

gửi bởi oanhoanh2qdt 24 Tháng 12 2011 10:06

Muốn đến được Lũng Cú, được leo lên cột cờ những ngày tháng 7 này, nhóm phóng viên Báo điện tử Tổ quốc chúng tôi phải nhờ cậy đến chiếc xe gầm cao của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh.

Vậy mới thấy, dù đã có nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch trên các hướng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, mạo hiểm, khám phá từ năm 2006, song đến nay Hà Giang vẫn mới chỉ là điểm đến lý tưởng của du khách mà thôi.

Theo chân các chiến sỹ biên phòng, điều cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đến với Hà Giang là đến với một vùng dân tộc đa sắc màu, đến với những bản làng của người Mông, Tày, Nùng, Lô Lô, Dao, Mường, Pà Thẻn, Thái… mỗi nơi đều có lịch sử, văn hóa riêng. Toàn tỉnh đã xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng tại các huyện và các bản làng dân tộc trên tuyến du lịch. Hoạt động của làng văn hóa du lịch bao gồm: giao lưu văn hóa, văn nghệ, giới thiệu phong tục, tập quán, lễ hội của từng dân tộc cho du khách thưởng lãm và tham dự.

Hình ảnh

Những lễ hội văn hóa truyền thống của các dân tộc Hà Giang rất phong phú, bao gồm lễ hội thôi nôi của trẻ em, lễ mừng nhà mới, cơm mới, lễ ma khô của người Mông, lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn, lễ đưa linh của người Lô Lô, các phiên chợ tình say đắm Khâu Vai, các cuộc hát cọi, hát Then, hát lượn, hát hội, múa khèn, múa bát, múa cấy, múa cầy…

Di tích lịch sử - văn hóa cũng là một “đặc sản” ở Hà Giang.

Dọc Quốc lộ 2 từ Hà Giang đi Hà Nội ở Km số 9 thuộc huyện Vị Xuyên có chùa Sùng Khánh, ngôi chùa gắn liền với lịch sử, hệ tư tưởng Phật giáo thời Lý - Trần thế kỷ XIV.

Ngược về phía Bắc lên huyện Đồng Văn có khu di tích nhà Vương. Đây là dòng họ giàu có và uy quyền nhất trong lịch sử dân tộc Mông ở huyện Đồng Văn và trong vùng đầu thế kỷ 20, là di tích lịch sử văn hóa đã được Nhà nước công nhận, nơi đây lưu giữ những bằng chứng phản ánh chế độ thổ ty phong kiến miền núi nói chung và điển hình của dân tộc Mông ở huyện Đồng Văn - Hà Giang nói riêng.
Nằm cách thị xã Hà Giang khoảng 60km là di tích lịch sử văn hóa làng Bắc Mê. Đây là nơi đặt bộ máy cai trị hà khắc của chủ nghĩa đế quốc, giam giữ các chiến sĩ cách mạng, nơi minh chứng cho ý chí kiên cường và khí tiết của người cộng sản-là nhân chứng về một giai đoạn lịch sử của địa phương.

Với địa hình phức tạp và hùng vỹ, Hà Giang còn là điểm đến lý tưởng cho loại hình du lịch sinh thái.

Nơi đây có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp và hùng vĩ làm say lòng người. Đó là dãy núi Tây Côn Lĩnh trùng điệp, cổng trời Quản Bạ, Phó Bảng, Phố Cáo, Lũng Cú, Đồng Văn, sông Nho Quế như dòng thác bạc giữa bạt ngàn rừng núi, đỉnh núi cao sừng sững Mã Pí Lèng, Mèo Vạc…

Leo đèo vào Lũng Cú giữa rừng thông những ngày tháng 7, nghe tiếng gió vi vu, cảm nhận cái se lạnh của vùng cao tôi như đang thấy mình đi du lịch ở Đà Lạt, nhưng cái hùng vĩ thì còn thua kém nhiều.

Luồn lách và điểm tô cho những dãy núi đá vôi hùng vĩ này là những dòng sông suối uốn lượn, thảm thực vật xanh tươi, rậm rạp của rừng nguyên sinh… trong đó chứa đựng nhiều bí ẩn về động thực vật đặc trưng của rừng núi đá vôi để du khách tìm hiểu, khám phá.

Mới đây, với ý tưởng khẳng định thương hiệu về sự “độc chiêu” cũng như phát triển du lịch, Hà Giang đang lập dự án xây dựng vùng cao nguyên đá Đồng Văn trở thành di sản địa chất quần thể núi đá vôi, trình UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Hình ảnh

Tiềm năng du lịch của Hà Giang còn được nhân lên khi hệ thống quốc lộ 2 từ Hà Nội-Hà Giang-cửa khẩu Thanh Thủy đã được cải tạo, nâng cấp đi lại thông thoáng. Nơi đây không chỉ là nơi giao lưu, buôn bán hàng hóa giữa Việt Nam-Trung Quốc mà còn cuốn hút du khách vì có phong cảnh đẹp, trữ tình, nhiều nơi độ che phủ của rừng chiếm tới hơn 60%, khí hậu mát mẻ. Ngay bên cột mốc đường biên mới được xây dựng, chúng tôi được tận mắt chứng kiến một vùng đầu nguồn sông Lô, từ Trung Quốc chảy vào đất Việt, suốt ngày đêm ầm ào thác nước, hai bên bờ rừng xanh tỏa bóng lung linh…

Ngồi chuyển tin, ảnh qua mạng internet tại trạm biên phòng Lũng Cú về toà soạn, đôi lúc gặp những chiếc ô tô mang biển số ngoại tỉnh đưa khách đến tham quan, chúng tôi tự hỏi: Tại sao giao thông Lũng Cú nói riêng, Hà Giang nói chung không được đầu tư? Các dịch vụ kèm theo như nhà nghỉ, nơi mua sắm, máy rút tiền tự động đến bao giờ mới có ở vùng núi cao này? Một hành trình 500km đường bộ, tương đương Hà Nội- Huế, không phải là quá dài, nhưng lại là một trở ngại lớn mỗi khi nghĩ đến du lịch vùng địa đầu Tổ quốc- Hà Giang.

Có lẽ chỉ ngần ấy thôi cũng đã đủ để Hà Giang trở thành điểm thu hút du khách, bởi những đặc sản thiên nhiên và lịch sử không phải vùng cao nào cũng có thể có được.

Vì thế, rời Hà Giang trong ngày nắng sau mưa lũ, chúng tôi lại càng thấy mảnh đất địa đầu này hùng vĩ và thơ hơn, để rồi ai cũng phải thốt ra niềm mong muốn được trở lại trong một ngày không xa, bởi còn muốn được tiếp tục chiêm ngưỡng và khám phá.
Hình đại diện của người dùng
oanhoanh2qdt
 
Bài viết: 13
Ngày tham gia: 24 Tháng 11 2011 12:01

cảnh đẹp núi đôi - hà giang

gửi bởi oanhoanh2qdt 24 Tháng 12 2011 10:08

Danh thắng Núi Đôi nằm ở thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ- Hà Giang), tên nhân dân thường gọi là Núi Đôi hoặc Núi Cô Tiên; được hình thành từ quá trình vận động tạo sơn của thềm lục địa vỏ trái đất, sự đứt gẫy của các khối núi đá vôi. Đây là nơi chuyển tiếp giữa địa tầng đá vôi với núi đất. Chu vi của hai ngọn núi gần 1.000 m2, 2 ngọn núi tròn đều với diện tích xấp xỉ 3,6 ha. Tên Núi đôi gắn với tên địa danh thung lũng Tam Sơn (tức ba ngọn núi), không biết có từ bao giờ, chỉ biết từ khi có tên làng, tên xã là núi đã có tên. Núi đôi được gắn với truyền thuyết về chuyện tình của chàng khổng lồ và nàng tiên nơi đây. Núi đôi Quản Bạ được ví như bộ ngực căng tròn người con gái và đã lưu truyền mãi trong nhân gian từ đời này qua đời khác, Núi đôi và ba ngọn núi ở thị trấn Tam sơn được nhân dân gìn giữ, nhiều câu truyền thuyết gắn với những gì thiên nhiên ban tặng được gửi gắm vào câu chuyện những ước muốn của dân tộc thiểu số nơi vùng cao về việc cải tạo, chế ngự thiên nhiên phục vụ sản xuất, mà ở đây là mong ước có nguồn nước tưới tiêu phục vụ đời sống con người, để có cuộc sống no đủ, cũng trong truyền thuyết muốn tôn vinh sự chung thủy, tôn vinh tình yêu đôi lứa. Với những giá trị về danh thắng, truyền thuyết đó, Núi đôi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao bằng công nhận xếp hạng cấp Quốc gia.

Hình ảnh

Năm 2009 vừa qua, tỉnh Hà Giang đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc xây dựng Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Công viên Địa chất thế giới. Nếu được công nhận thì đó là niềm tự hào của người dân vùng cao nói riêng và người dân Hà Giang nói chung, ngoài ý nghĩa đó nó còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn. Núi đôi là một biểu tượng đẹp của Cao nguyên Đồng Văn, đó là sự kết tinh nét đẹp của thiên nhiên và kiến tạo địa chất. Với giá trị đó, Núi đôi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận danh thắng cấp Quốc gia, đây là niềm tự hào cũng là điểm nhấn để Cao nguyên đá Đồng Văn thêm sinh động, hấp dẫn với khách du lịch. Do đó chính quyền và người dân địa phương cần tôn tạo và cùng bảo vệ.
Hình đại diện của người dùng
Emilynguyen
 
Bài viết: 1
Ngày tham gia: 02 Tháng 10 2012 11:45

Chuyện ly kỳ về hồ tắm tiên ở Hà Giang

gửi bởi Emilynguyen 15 Tháng 10 2012 22:19

Ẩn sâu bên trong “tim” núi xuất hiện một hồ nước trong vắt hình lòng chảo, xung quanh là những hàng ghế đá màu xám, nằm phía trên nữa là khối đá hình đầu rồng. Theo người dân sống dưới chân núi này, đây là nơi các nàng tiên đã giáng trần xuống tắm.

Dãy núi Phai Chỉ trùng trùng điệp điệp thuộc xã Kim Ngọc (Bắc Quang, Hà Giang) từ xa xưa vẫn lưu truyền chuyện về tiên nữ giáng trần. Sự xuất hiện của các nàng tiên cùng lời đồn thổi về những báu vật tiên nữ để lại đã khiến bao người tò mò, bất chấp hiểm nguy đi tìm kho báu để mong được đổi đời. Do địa hình hiểm trở, quá trình khám phá đều dang dở, đứt đoạn. Đến nay còn rất nhiều điều bí ẩn cùng những câu chuyện ly kỳ huyền vẫn được truyền lại cho thế hệ sau mà chưa có lời giải đáp.

Những chuyện ly kỳ trên núi Phai Chỉ

Núi Phai Chỉ (núi tiên) theo tiếng Tày là Phiao Chỉ (ý nói là núi chỉ về hướng bắc) được người dân truyền miệng là ngọn núi có tiên nữ giáng trần và đem theo nhiều chum vàng bạc châu báu cất giấu trong một cái hang sâu thẳm ở lưng chừng núi.

Một số vị cao niên trong làng kể, nơi có ngọn núi tiên ngự trị vốn là một vùng núi hoang sơ hẻo lánh, xưa chỉ có vài gia đình sống đơn sơ dưới chân núi. Rồi tình cờ, những người thợ săn trong vùng phát hiện ra trên núi có một hồ nước tuyệt đẹp, nơi được cho là các tiên nữ tắm.

Theo già làng Nguyễn Đình Lư, thời còn trẻ, ông nhiều lần từng leo lên tận đỉnh núi và tận mắt chiêm ngưỡng hồ nước trong vắt như hình lòng chảo, xung quanh là những chiếc ghế đá thô màu xám, bên trên hồ là một phiến đá hình đầu rồng khá cao. Nơi này hiểm trở, phải dùng dây leo rừng, và có sức khỏe mới có thể leo lên được.

Đã có rất nhiều người dân gần xa, kể cả dân ngoại tỉnh đổ về đây, bắc dây trèo lên tận đỉnh núi cao tít mù khơi để tìm kiếm vàng bạc châu báu do các nàng tiên để lại nhưng đều không có kết quả. Không những không tìm thấy châu báu, vàng bạc, họ còn phải ra về trong niềm lo âu, thấp thỏm vì những lời đồn nghe được khi đến khám phá khu vực này. Lời đồn rằng ngọn núi tiên này từ lâu đã có thần cây bảo vệ, người nào vào trong phá phách, xúc phạm đến các ngài sẽ phải trả giá cho những việc làm của mình.

Một già làng là Ma Văn Sán kể, từ khi mới sinh ra cụ đã thấy trên lưng chừng núi có những gốc cam, gốc vải cổ thụ, trái ngon ngọt. Nhưng những trái cây này chỉ có thể ăn ngay ở trên đó, còn nếu lấy đem về thì tự nhiên không thể tìm được đường xuống, cho dù có đi hết lối này đến lối khác thì mãi vẫn chỉ luẩn quẩn trên núi. Những câu chuyện mang màu huyền bí cộng với việc có những người chết và mất tích ở khu vực này càng trở nên bí ẩn.

Già làng Sán kể, trước đây ở vùng này không ai có thể ở lâu được. Từng có một số người Mông cũng đến sinh sống nhưng do bệnh tật, làm ăn không được nên họ đã kéo nhau mà đi. Mới cách đây một năm cứ vào nửa đêm mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng thường xuyên có những tiếng gió rít nghe như hổ gầm trên núi đến rợn người. Khi đó nhiều nhà lân cận đã tính chuyện bỏ đi, rồi cả làng họp nhau lại, bàn góp đồ cúng bái vào ngày 1/2 và 2/6 hàng năm để thờ thần núi. Kể từ đó, người dân mới có cuộc sống yên ổn để tập trung vào làm ăn.

Người thợ săn lành nghề và chum vàng biến mất

Già làng Nguyễn Đình Lư cho biết, núi Phai Chỉ là ngọn núi thiêng, trên hồ tắm tiên xuất hiện một tảng đá hình đầu rồng há miệng. Theo truyền thuyết của người Tày, con rồng đại diện cho trời, thường đi mây về gió, hổ là con vật đại diện cho đất vì có sức mạnh thống trị cả rừng xanh. Hai con vật đại diện cho trời và đất nhìn thấy nhau là dừng lại. Khi con rồng bay về hướng Bắc thì nhìn thấy con hổ đứng ở phía Bắc nhìn mình nên rồng dừng lại đúng vào lúc tiên giới hạ phàm để thưởng thức không khí trong lành nơi hạ giới nên đã biến nơi này thành núi, và con rồng biến thành đá, vì vậy mới có hình đầu rồng trên núi.
Đến ngày nay, giữa lưng chừng núi vẫn còn vẹn nguyên những gốc cây cổ thụ mà người dân nơi đây tâm niệm đây chính là thần cây được các vị tiên mời về để giữ vàng bạc của cải không cho những kẻ có lòng tham nơi hạ giới chạm vào.

Ông Hoàng Văn Đề, một thợ săn khét tiếng trong vùng cho biết, trong nghề đi săn, chưa có con vật nào trong tầm ngắm của ông có thể thoát thân. Nhưng có một lần ông rượt con lợn rừng vào trong hang thì con lợn bỗng quay lại tấn công khiến ông khựng người, sau đó nó chạy đến cạnh một pho tượng bằng đá hướng ánh mắt hung dữ về phía ông. Đặc biệt, phía dưới chân pho tượng bằng đá nơi con lợn đứng ông nhìn thấy cái chum vàng óng ánh. Ông vội ra ngoài kêu thêm người và lấy dây để leo vào hang, nhưng khi quay lại thì pho tượng, lợn và chum vàng đã biến mất không còn chút dấu vết. Ông hốt hoảng chạy về trong nỗi lo sợ tột cùng và ốm mấy ngày liền.

Một số người dân từng lên núi tìm vàng kể, hang này vô cùng sâu, đi hết 2 đôi pin đại mà vẫn đen như mực, có nhiều chỗ phải nhảy qua mới có thể đi tiếp, không cẩn thận sẩy chân là có thể mất mạng. Ngoài ra, miệng hang cũng sâu như giếng nước, phải dùng dây leo mới xuống được.

Anh Nùng Văn Sơn cùng với 4 anh em khác đã từng một thời cất công mang cơm gạo lên núi Phai Chỉ tìm vàng cho hay, đường dẫn vào hang vô cùng hiểm trở, có những đoạn hẹp, phải nằm sấp chui người mới qua được, đi một lát chỉ cần chạm nhẹ vào khối đá trên đầu thì thấy các phiến đá bỗng dưng rung chuyển như sắp sập đến nơi nên anh tức tốc gọi anh em ra về, bỏ dở mộng săn tìm báu vật.

Anh Sơn cho biết thêm, cách đây 2 năm có một đoàn người không biết từ đâu tới đem theo máy móc cùng nhiều trang thiết bị hiện đại lên chân núi để khai thác đá nhưng liên tiếp gặp tai nạn khiến họ phải bỏ cuộc.
Hiện nay người dân quanh vùng và các tỉnh lân cận đã dần từ bỏ cái giấc mơ mong được đổi đời, thay vào đó là sự tôn sùng sức mạnh của một thế lực siêu nhiên mà theo họ vẫn thường hay nói là “mắt thường không thể nhìn thấy”.

Đi tìm hồ tiên

Để tìm hiểu đầu đuôi ngọn ngành và thực hư về những điều huyền bí xung quanh ngọn núi kỳ lạ này, chúng tôi đã nhờ Zin, một người bản địa từng là thợ săn trong vùng một thời lăn lộn vào hang dẫn đi. Đường lên đỉnh núi có những chỗ cheo leo, vách đá dựng đứng. Phải vật vã gần nửa ngày chúng tôi mới đặt được chân lên đỉnh núi. Hướng cánh tay vào sâu trong núi, Zin bảo đầu rồng nằm ở bên trên cái hồ, phía dưới là hồ tắm tiên.

Miệng hang là một hố sâu chừng 10m, nhưng đường dẫn vào hang lại nằm ở lưng chừng hố nên chúng tôi phải bắc dây để tiến sâu vào hang. Bên trong có những đoạn vô cùng hẹp, ẩm thấp, một người phải khéo léo trườn vào như con rắn mới có thể qua, càng đi vào sâu không khí bên trong càng ngột ngạt. Tiến sâu thêm phía trong hang tối như hũ nút, rộng mênh mông. Những tiếng động lạ bên trong đập vào các thành đá tạo ra âm thanh vô cùng khó hiểu.

Càng tiến sâu, hang càng âm u, rờn rợn. Không một vạch sóng điện thoại, chiếc máy ảnh chụp không thể phát sáng được bởi hơi nước bốc lên, đèn pin đã hết kiệt, không khí càng lúc càng thấy ngột ngạt. Biết nơi đây không thể ở lại lâu, chúng tôi đành cố bám đuôi nhau tìm lối ra.
Hình đại diện của người dùng
mrbeen
 
Bài viết: 1
Ngày tham gia: 27 Tháng 12 2012 11:58

Re: Chuyện ly kỳ về hồ tắm tiên ở Hà Giang

gửi bởi mrbeen 27 Tháng 12 2012 12:01

:nh: tắm tiên là thích rồi, mình mấy lần định đi nhưng toàn bận
Hình đại diện của người dùng
dulichghep
 
Bài viết: 31
Ngày tham gia: 10 Tháng 1 2013 08:39
Đến từ: công ty du lịch hành trình phương đông

[Nhật ký lữ hành] Đường lên Hà Giang

gửi bởi dulichghep 17 Tháng 1 2013 15:34

[Nhật ký lữ hành] Đường lên Hà Giang Phần 1

Một số người bạn nói với tôi "muốn đi Hà Giang bạn phải có sức khỏe tốt". Bởi vì đường lên Hà Giang quanh co, xe cua liên tục vì vậy rất dễ bị say xe. Nếu bạn không biết điều gì là thú vị thì Hà Giang sẽ giúp bạn khám phá hiểu điều đó. Chắc chắn rằng bằng những nỗ lực hết mình mà bạn đặt vào chuyến đi, bạn sẽ nhận lại rất nhiều. Khó khăn như là những gia vị nêm cho chuyến phiêu lưu thêm phần ấn tượng hơn.

Với 750.000 dân cư sinh sống trên 7946 km2, Hà Giang bao gồm 3 khu chính: khu vực thấp hơn chính à thành phố Hà Giang và các vùng phụ cận, khu thứ 2 là phía Tây Bắc núi Hoàng Su Phì - nổi tiếng với những cây trà Shan khổng lồ, cuối cùng là khu vực phía bắc - cao nguyên đá Đồng Văn, nơi ngọn cờ đỏ sao vàng được cắm trên đỉnh Lũng Cú đánh dấu điểm cực bắc của đất nước. Thành phố Hà Giang là điểm bắt đầu của chuyến hành trình, theo kế hoạch thì Đồng Văn sẽ là nơi ghé thăm đầu tiên của chúng tôi với đèo Mã Pí Lèng, và sau đó sẽ tiếp tục đi Quản Bạ và làng Nặm Đăm - nơi mà có người Dao Chàm sinh sống, cuối cùng sẽ quay trở lại khám phá Hoàng Su Phì.

Xe bus đi Đồng Văn khởi hành lúc 5h sáng từ trạm Hà Giang. Chuyến hành trình kéo dài 150km ở độ cao 1800m, và lái xe là một người địa phương còn rất trẻ, trông như còn ở độ tuổi teen. Tôi không dám hỏi anh ta "anh có bằng lái xe chưa?". Muốn đến Đồng Văn vào buổi chiều và chuyến bus kế tiếp 4h nữa mới khởi hành, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác, chỉ bí mật hy vọng rằng mọi thứ đều tốt đẹp. Đường xá ngoằn nghèo và không bằng phẳng. Không khí vùng núi cao thật trong lành. Tôi rất thích thú ngắm những ruộng bậc thang qua cửa sổ. Một ngày làm việc sớm của các bác nông dân bắt đầu. Họ đã sẵn sàng trước những mũi cày. Ở đây, nguồn nước khan hiếm, lúa phát triển được chỉ nhờ vào nước mưa và chỉ được trồng 1 vụ trong 1 năm, từ tháng 6-7 đến tháng 9-10. Ngô là loại ngũ cốc thay thế chính ngoài vụ lúa. Đối với người dân tộc thiểu số thì ngô chính là thứ ngũ cốc chính đặc biệt là với người H'mong. Không biết tại sao nhưng tôi luôn có một sự tin tưởng kỳ lạ rằng ngô chính là bí mật để đến với những gò má hồng xinh thường thấy giữa những đứa trẻ H'mong và các cô gái. Có thể đúng hoặc là không, nhưng trong một sáng tháng 5, cánh đồng ngô và những gò má hồng xuất hiện trước mắt tối, làm tôi thực sự thấy thích thú.

Sau khi qua thị trấn Yên Minh, chúng tôi vào đến cao nguyên đá Đồng Văn. Chiếc xe bus hướng về phía trước, cảnh quan nơi đây mở ra trước mắt chúng tôi thật oai nghiêm và ly kỳ. Con đường thu hẹp và cheo leo một bên, bên còn lại thì sâu thẳm. Đột nhiên chiếc xe bus dừng lại "Chuyện gì đã xảy ra vậy?". "Hãy thử đi" người lái xe trẻ tuổi nói với phụ xe của anh ta. Trời đất ơi! Người này còn trẻ hơn cả anh tài xế nữa! Không khí xe bus trở nên im ằng nghiệm trọng. Rõ là thiếu kinh nghiệm thực sự, người phụ xe đã rất vất vả để đẩy chiếc xe bus lên dốc. Có mùi cháy! "Idiot - tạm dịch là thằng đần nhé" - anh tài xe hét lên "lẽ ra cậu phải về số sớm hơn!". Chúng tôi đang ở giữa cái dốc. Vài giây sau, chiếc xe bus vẫn dừng, không thể dịch chuyển về phía trước, sau đó thì bắt đầu trượt dốc. "Hãy dùng phanh đi!" - anh tài xế lại hét lên. "Tôi làm rồi" - người phụ xe trả lời một cách thất vọng. Chiếc xe tiếp tục trượt xuống, chỉ cách biên vực thẳm nửa mét. Vài người bắt đầu hoảng sợ. Rồi nhận ra người đần chính là mình, người lái xe đã dựa vào xe và hướng về phía trước để cố bắt được cái phanh. Cái xe bus đã đừng hẳn. Offs!!!...

(Bài viết về chuyến đi của một người bạn của Hành Trình Phương Đông - Chị Bạch Thị Minh Tâm. Hết phần 1 nhé các bạn! Hành trình Phương Đông sẽ tiếp tục post các trải nghiệm trong chuyến hành trình lên Hà Giang ở bài tiếp theo nhé!) ^^

Hình ảnh
Ảnh: sưu tầm

Nguồn: dulichghep.com
Sửa lần cuối bởi dulichghep vào ngày 07 Tháng 3 2013 11:17 với 1 lần sửa.
Hình đại diện của người dùng
dulichghep
 
Bài viết: 31
Ngày tham gia: 10 Tháng 1 2013 08:39
Đến từ: công ty du lịch hành trình phương đông

Re: [Nhật ký lữ hành] Đường lên Hà Giang

gửi bởi dulichghep 22 Tháng 1 2013 08:30

[Nhật ký lữ hành] Đường lên Hà Giang Phần 2

Ngày hôm sau, một chiếc bus và một tài xế trông rất trẻ lái xe đưa chúng tôi đi Quản Bạ. Giống như anh tài hôm qua, người lái xe nãy dừng liên tục trên đường đi để trả khách, có khi là chào hỏi đồng nghiệp, tán tỉnh các cô gái bên ria đường. Tuy nhiên, bây giờ chúng tôi đã khá quen với những cảnh tượng như thế vì vậy không có ý kiến phản đối nào cả. Ở Quản Bạ, một người bạn ở đây đã đưa tôi tới làng Nặm Đăm, nơi mà có người Dao – Chàm sinh sống – một phân nhóm của người Dao. Nặm Đăm nghĩa là “nước đen” hoặc “sông đen” theo ngôn ngữ của người Tầy/Thái. Ngôi làng này được xây dựng trên một ngọn đồi bằng phẳng, các ngôi nhà cách đều nhau để mỗi gia đình đều có một khu vườn riêng, và hàng xóm vẫn có thể í ới gọi nhau được. Nhà cửa được xây theo lối truyền thống, tường bùn dày từ 50 – 60cm, khung bằng gỗ, mái nhà được lợp bằng những chiếc lá to bằng lòng bàn tay hoặc là ngói amiang.

Khoảng 3h chiều, tất cả người lớn, trừ người già đều đang làm việc trên những cánh đồng quanh làng. Trẻ con thì được gửi ở nhà trẻ. Những đứa trẻ từ 2 đến 5 tuổi đều được xếp vào những lớp nhỏ tương tự nhau. Giáo viên, là một người phụ nữ trẻ đang có một đứa nhóc 9 tháng tuổi, cô vừa đọc to những chữ cái vừa vẽ lên bảng, những đứa trẻ nhỏ hơn thì tự chơi với nhau. Cô rất tốt bụng và quan tâm đến bọn trẻ. Nhìn chúng vui vẻ mặc váy áo lộn xộn và gương mặt có lấm ít bụi bẩn. Hoàng hôn xuống, khi mọi người bắt đầu đi làm đồng về. Vài thửa ruộng đã được cày bừa để chuẩn bị trồng lúa, một vài chỗ khác thì biến thành đất để trồng ngô. “Bạn có mệt không?”. Câu hỏi của tôi có vẻ thừa. “Dĩ nhiên rồi, đây là cuộc sống vùng cao mà. Rất vất vả!” “Nhưng chúng tôi không phải suy nghĩ nhiều đâu, đơn giản thôi!” “Đúng rồi, tắm giặt, và làm cho đầy cái dạ dày!”. “Thi thoảng còn không tắm giặt” – Người vợ thêm vào và cười “Tất cả chỉ thế thôi!”

(Vẫn còn tiếp phần 3 nhé các bạn!)
Hình ảnh
Ảnh: Sưu tầm
Nguồn: dulichghep.com
Hình đại diện của người dùng
dulichghep
 
Bài viết: 31
Ngày tham gia: 10 Tháng 1 2013 08:39
Đến từ: công ty du lịch hành trình phương đông

Re: [Nhật ký lữ hành] Đường lên Hà Giang

gửi bởi dulichghep 24 Tháng 1 2013 21:32

[Nhật ký lữ hành] Đường lên Hà Giang Phần 3

Cách Quản Bạ chừng 5km, chợ Cán Tỷ họp vào mỗi thứ 5 hàng tuần. Từ sáng sớm, những người dân bản địa đã lên núi và xách theo gà, lợn hoặc là cho buộc ở cổ tay của họ. Gạo, ngô, rau, rượu hay bất cứ thứ gì thì để trong chiếc gùi sau lưng họ. Thời đại công nghệ nên các dạng điện thoại di động đã được đưa tới các vùng dân tộc. Bạn dễ dàng nhìn thấy hình ảnh một cô gái trẻ địu em nhỏ trên lưng đang nhắn tin cho bạn bè, nhìn chung nơi đây vẫn mang không khí đặc trưng của một phiên chợ vùng cao truyền thống. Người ta vẫn mặc những chiếc váy dân tộc đầy màu sắc sống động. Một góc chợ thì bán rượu, góc khác thì là đồ ăn, góc khác nữa để bán heo, gà…Tôi để ý thấy có một người phụ nữ Dao đứng một mình, dưới chân cô ấy là một chú chó con đang ngủ. Cậu ta cố gắng không nhúc nhích một tí nào trước mặt chủ của mình mỗi khi có khách hỏi mua. Bán cậu ta dường như cũng là một việc không vui của người phụ nữ đó. Trông cô rất buồn rầu. Rồi việc gì cần làm cũng đã làm. Một lúc sau tôi trở lại thì không thấy người phụ nữ và chú cún con đó đâu nữa. Sau khi làm một vòng quanh chợ, tôi nhìn thấy một người đàn ông đang bán khoai tây sống và vài chai mật ong. Tôi thích mua mật ong về nhà hơn là mấy con gà, lợn, cún kia ngay cả khi trông chúng rất đáng yêu. “Bao nhiêu tiền một chai?” Tôi hỏi. “100.000”. Một cái giá quá rẻ cho một chai mật ong tốt và quá đắt cho một chai mật ong tầm thường. Tôi vẫn muốn mua một thứ gì đó ở chợ Cán Tỷ về. Sau khi do dự một lúc, tôi đã quyết định mua chai mật ong đó. “Dù gì thì một chai mật bình thường cũng không thể làm chết người được”.


Hình ảnh
Trying the necklet @vietnam-photograph.com

Một người bạn của tôi chuyên làm về thực phẩm hữu cơ. Một trong những sở thích của tôi trong cửa hàng của cô ấy là trà Bancha. Nó được làm từ những chiếc lá già của cây trà Shan, một loại trà khổng lồ được trồng ở vùng đất cao hơn mực nước biển 1500m. Hoàng Su Phì cách thành phố Hà Giang 100km, là nơi nổi tiếng nhất về loại cây trà này. Mặc dù không xa, nhưng d hành trình lâu và mệt do địa hình núi non. Không giống như cao nguyên đá Đồng Văn, núi ở đây có nhiều đất, các cánh đồng bậc thang được cung cấp nước nhờ những dòng suối và con sông. Cảnh quan tương đối khác biệt: xanh hơn và nhẹ nhàng hơn. Mặc dù có vài con đập đã làm giảm khung cảnh tự nhiên của cảnh quan nơi đây, nhưng chuyến đi vẫn rất tuyệt vì có khung cảnh núi cao kết hợp với ruộng bậc thang, rừng thông và suối tự nhiên, những thứ thật chẳng dễ tìm ở những nơi khác. Những dân tộc thiểu số sống ở đây bao gồm dân tộc Nùng, Tầy, và dân tộc H’mong. Với họ, địa điểm xa nhất chính là thành phố Hà Giang. Nhưng tôi cược rằng việc này sẽ thay đổi sớm thôi. Ngồi trước tôi trên xe bus đến Xin Mần – 40 km về phía tây (nơi mà tôi hay gọi là kết thúc của Thế giới), một nữ sinh trung học người Dao kể lại thời thơ ấu của cô ấy và tự tin giải thích về kế hoạch tương lai. Rõ ràng rằng tôi không thể giúp đỡ họ nhưng tôi rất ấn tượng với nhưng hy vọng và ước mơ của thế hệ trẻ nơi đây.
Trên chuyến bus rời Hà Giang, tôi đã có một cảm giác rằng tôi đã không ở đây đủ lâu. Bởi vì tôi còn biết quá ít về cuộc sống và con người nơi đây. Cuộc sống, suy nghĩ và cảm xúc của họ vẫn còn là một bí ẩn với tôi. Đột nhiên tôi nhớ đến ông bố 23 tuổi với 3 đứa con mà tôi đã gặp ở Mã Pí Lèng. Tôi đã hỏi “Bạn có biết rằng bạn đang sống ở một nơi rất tuyệt vời không?”. Câu trả lời mà tôi mong đợi giống như “Toàn là đá, cuộc sống ở đây thật khó khăn!” Nhưng anh ta đã trả lời rõ ràng là “Dĩ nhiên, thật là đẹp!”. Rồi sau đó, anh ta chỉnh lại cái gùi tre sau lưng và tiếp tục đi bộ…

Nguồn: dulichghep.com
Hình đại diện của người dùng
kyni
 
Bài viết: 3
Ngày tham gia: 25 Tháng 2 2014 17:03

Kinh nghiệm đi phượt Hà Giang

gửi bởi kyni 01 Tháng 3 2014 09:11

Nếu đã trót đem lòng yêu mến sự hùng vĩ của phong cảnh núi non, chắc hẳn ai cũng muốn một lần được đặt chân đến Hà Giang – vùng đất địa đầu Tổ quốc. Vùng đất cực bắc này nổi tiếng với những con đường đèo nối tiếp nhau, quanh co uốn lượn. Sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời khi cảm xúc biến đổi cùng từng khúc lượn vòng xung quanh những quả núi, mỗi một vòng qua đi khoảng cách với đỉnh núi như được rút ngắn lại. Hà Giang đã đi vào lòng người với vẻ đẹp của một cao nguyên đá hoang sơ, nguyên thủy mà rất oai hùng, tráng lệ, những phiên chợ tình nhộn nhịp, đầy màu sắc hay khung cảnh nên thơ trữ tình của những đồi hoa mơ, hoa mận. Tuy nhiên không phải bất cứ lúc nào cũng có cơ hội chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp ở nơi đây, chính vì thế bạn nên lựa chọn cho mình thời điểm tốt nhất và trang bị những hành trang cần thiết để có một chuyến du lịch Hà Giang đáng nhớ.

1. Đến Hà Giang mùa nào đẹp nhất

Mỗi mùa Hà Giang lại có một vẻ đẹp, một nét quyến rũ riêng của nó. Vào dịp năm mới, Hà Giang là nơi hội tụ hương vị Tết của 23 dân tộc khác nhau sinh sống ở đây, mỗi dân tộc lại có những phong tục tập quán đặc sắc riêng không hề lẫn với bất kỳ ai. Đến khoảng tháng 8 – 9, mùa lúa chín, những triền đồi nối tiếp nhau, đan xen vào nhau được phủ màu vàng óng ả, rực rỡ của ruộng bậc thang, nét đẹp nổi bật mà chỉ nơi núi cao mới có.
Những ai thích màu tím thủy chung hãy đến Hà Giang vào tháng 10 – 11. Đây là thời điểm hoa tam giác mạch nở tím các sườn đồi, lưng đồi phủ lên bức tranh phong cảnh nét đẹp hết sức thơ mộng, tạo cho lòng người một cảm giác bình yên, thanh thản đến kì lạ.

2. Lộ trình (Hà Nội – Hà Giang)

Đi bằng ô tô: tại bến xe Mỹ Đình bạn đi xe khách Hà Nội – Hà Giang. Đến bến xe Hà Giang bắt xe Quản Bạ – Đồng Văn. Sau khi đến Đồng Văn thì thuê xe ôm để khám phá các địa điểm du lịch ở đây (vì Đồng Văn không có dịch vụ cho thuê xe máy).
Đi bằng xe máy: có thể chọn 1 trong 2 tuyến đường sau tùy theo vị trí của bạn:
Tuyến 1: Hà Nội – Vĩnh Phúc – Việt Trì – Phú Thọ – Tuyên Quang. Tuyến đường này được nhiều người biết đến và cũng có khá nhiều xe qua lại.
Tuyến 2: Hà Nội – Sơn Tây – Cầu Trung Hà – Cổ Tiết – Cầu Phong Châu – Phú Thọ – Đoan Hùng – Tuyên Quang. Từ TP Tuyên Quang đi tiếp đến Hàm Yên – Bắc Quang – Vị Xuyên – TP Hà Giang.

*Chú ý: nếu đi tuyến thứ 1 đoạn đường sẽ dài hơn khoảng 30km. Khi đi xe máy nên chú ý mang đầy đủ giấy tờ, ngồi trên xe phải đội mũ bảo hiểm. Đoạn đường đi rất xa nên cần trang bị thêm kính mắt, đi giầy nhẹ hoặc giầy thể thao cho thoải mái. Cần mang theo bản đồ hoặc điện thoại có google map, mạng di động Vina, Viettel, Mobi vẫn hoạt động tốt trong khu vực này.

3. Thông tin khách sạn, nhà nghỉ

Các nhà nghỉ, khách sạn tại Hà Giang rất đa dạng và phong phú, từ hạng rẻ tiền, bình dân đến cao cấp. Tuy nhiên mức giá phổ biến nhất là từ 150 – 500 nghìn đồng/ngày. Một số địa chỉ uy tín, thu hút nhiều khách như: KS Huy Hoàn, Công Đoàn, Khánh Linh, Cao Nguyên Đá…

4. Thưởng thức ẩm thực

Gà Mèo là giống gà đen đặc biệt chỉ duy nhất có ở vùng cao núi đá này. Thịt gà mèo ăn béo, không nát, chắc và không dai. Món gà luộc, rang hoặc nấu canh gừng đều rất ngon và lạ miệng. Đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món đặc sản hiếm có này nhé.
Bên cạnh đó các món ăn dân tộc như mèn mén (ngô xay đồ chín), xôi màu, thắng cố, bánh ngô, cháo ấu tẩu, xôi ngũ sắc, rượu ngô, thịt trâu hun khói … cũng hấp dẫn biết bao khách du lịch trong và ngoài nước.

5. Địa điểm tham quan hấp dẫn

Cao nguyên đá Đồng Văn: một trong những vùng núi đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ quả đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa.

Cổng trời Sà Phìn: là một điểm dừng chân không thể bỏ qua. Từ cổng trời bạn có thể thu vào tầm mắt thung lũng Sà Phìn thơ mộng, lâu đài của vua Mèo Vương Chí Sình. Lâu đài vua Mèo từng là dinh thự của bậc đế vương xưa, là một công trình có kiến trúc đẹp, hiếm có và rất độc đáo.

Chợ tình Khau Vai: Phiên chợ dành cho những người yêu có tình yêu dang dở, đã yêu nhưng lỡ duyên, không đến được với nhau. Chợ họp vào ngày 27/3 âm lịch hàng năm và được xem là phiên chợ tình đặc biệt nhất.

Đèo Mã Pí Lèng: là “Thiên hạ đệ nhất đèo”, con đèo đẹp và hùng vĩ nhất miền núi phía Bắc Việt Nam với một bên là vách núi cao dựng đứng, một bên là vực sâu hun hút. Đứng từ đèo nhìn xuống là con sông Nho Quế bốn mùa xanh trong, uốn lượn như một sợi chỉ cắt ngang những dãy núi đá tai mèo nhọn hoắt, là nơi mây, núi, trời, sông hội tụ.
Quay về Du lịch Miền Bắc
 


  • Bài Viết Liên Quan
    Trả lời
    Xem
    Bài viết sau cùng

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.1 khách.