Những hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm đi du lịch
Hình đại diện của người dùng
Fiditour
 
Bài viết: 172
Ngày tham gia: 29 Tháng 1 2010 09:45

Kinh nghiệm đi máy bay

gửi bởi Fiditour 24 Tháng 11 2010 13:47

Tổng hợp tất tần tật những kinh nghiệm đi máy bay, từ kinh nghiệm mua sắm, làm thủ tục bay, chọn chỗ ngồi trên máy bay....

Mẹo shopping ở sân bay

Đi du lịch tới bất cứ nước nào, những cửa hàng ở sân bay luôn thu hút bạn. Nhưng làm cách nào để mua được đồ vừa rẻ, vừa tốt. Hãy tham khảo những mẹo sau đây.

Nhiều người đi du lịch nước ngoài thường tranh thủ thời gian shopping tại sân bay vì chính sách miễn thuế. Nhưng vào thời điểm nào và mặt hàng nào nên mua để tiết kiệm thời gian và chi phí?

- Đừng vội mua sắm khi mới đặt chân đến sân bay trong chuyến bay đến nhé. Hãy để dành sự thích thú này cho chuyến bay về. Vì sao ư? Vì bạn sẽ đỡ mang vác những túi đồ đi theo trong lúc đi chơi.

- Nhưng bạn cũng đừng nhanh chân lên taxi vào thành phố vội. Hãy rảo qua các nhãn hiệu mà mình yêu thích, xem giá cả thế nào, để so sánh giá cả ở các cửa hàng trong thành phố. Nếu giá ở sân bay thật sự rẻ hơn, chuyến bay về bạn mua vẫn chưa muộn.

- Nếu đã xác định mua sắm ở sân bay, bạn nên tranh thủ ra phi trường trước giờ bay 2- 3 tiếng. Các khu mua sắm ở các sân bay quốc tế trên thế giới rất rộng lớn. Bạn sẽ thấy rằng 2 - 3 tiếng đôi khi là chưa đủ để đi xem và mua sắm.

- Nên mua sản phẩm gì ở sân bay: Rượu và mỹ phẩm. Với chính sách miễn thuế thì hai mặt hàng này ở sân bay luôn rẻ hơn ở nơi khác.
Hình đại diện của người dùng
thaootctravel
 
Bài viết: 2
Ngày tham gia: 16 Tháng 1 2012 10:03

Thời gian- quy trình thủ tục bay

gửi bởi thaootctravel 16 Tháng 1 2012 15:13

Hiện nay, đi lại bằng máy bay cũng không còn là một điều gì đó quá mới mẻ nữa. Những chuyến bay nội địa với chi phí không quá đắt đỏ khiến di chuyển bằng máy bay ngày càng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, không hẳn tất cả mọi người đều nắm rõ quy trình làm thủ tục bay như thế nào?; quá cảnh như thế nào đối với các chặng bay quốc tế , làm các thủ tục xuất nhập cảnh như thế nào.. Với một ít hiểu biết nhỏ bé của mình, qua bài sưu tầm này, Thảo hy vọng sẽ ít nhiều giúp mọi người có được những thông tin cần thiết để mọi người có chuyến bay an lành và thoải mái.

Thời gian mở quầy
Hạng thương gia
Thời gian mở quầy 2 giờ (120 phút) trước giờ khởi hành
Thời gian đóng quầy 25 phút trước giờ khởi hành
Hạng phổ thông
Thời gian mở quầy 2 giờ (120 phút) trước giờ khởi hành
Thời gian đóng quầy 30 phút trước giờ khởi hành

Giấy tờ tùy thân

Khi làm thủ tục chuyến bay, hành khách sẽ được yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân. Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, các giấy tờ sau (còn hiệu lực) được phép sử dụng khi đi lại bằng đường hàng không:
Loại giấy tờ tùy thân
1. Chứng minh thư nhân dân
2. Chứng minh của các lực lượng vũ trang
3. Thẻ Đại biểu Quốc hội
4. Thẻ Đảng viên
5. Thẻ Nhà báo
6. Giấy phép lái xe
7. Thẻ Kiểm soát an ninh hàng không
8. Thẻ nhận dạng của các Hãng hàng không Việt nam
Lưu ý:
Một số trường hợp đặc biệt như nếu mất chứng minh nhân dân có thể dùng giấy chứng nhận nhân thân (có xác nhận của công an phường xã còn giá trị sử dụng, có ảnh đóng dấu giáp lai); trẻ em dưới 14 tuổi phải có giấy khai sinh, trẻ dưới 1 tháng tuổi chưa làm giấy khai sinh phải có giấy chứng sinh
• Khi mua vé, hành khách sử dụng loại giấy tờ tùy thân nào (CMND, thẻ ngành, hộ chiếu…) thì khi làm thủ tục lên máy bay, hành khách phải xuất trình loại giấy tờ đó.

Thủ tục đi máy bay
(Không phải mọi thông tin trong này đều đúng với mọi trường hợp)
Không phải ai cũng rành chuyện đi máy bay, nhất là khi đi ra nước ngoài. Bài viết này cung cấp các thông tin cơ bản cho những người chưa đi máy bay lần nào hay chưa biết rõ các thủ tục liên quan.
Nội dung
1 Thủ tục đi máy bay.
1.1. Chuẩn bị
1.2. Vé máy bay.
1.3. Sân bay.
1.4. Check-in.
1.5. Làm thủ tục xuất cảnh.
1.6. Kiểm tra an ninh.
1.7. Vào phòng đợi
1.8. Lên máy bay.
1.9. Xuống máy bay.
1.10. Làm thủ tục nhập cảnh.
1.11. Lấy đồ.
1.12. Đi ra.
1.13. Transit
1. Thủ tục đi máy bay
1.1. Chuẩn bị
Trước khi đi máy bay bạn phải có trong tay:
• Vé máy bay
• Chứng minh thư nếu đi trong nước hoặc hộ chiếu nếu đi nước ngoài
• Visa nếu nước cần đến yêu cầu. Hiện nay một số nước và VN đã ký hiệp định miễn visa đối với công dân của hai nước mang hộ chiếu phổ thông nếu ở lại trong vòng 30 ngày, ví dụ Thái Lan, Indonesia, Singapore, … như vậy khi đến các nước này trong vòng 30 ngày bạn không cần visa. Một số nước yêu cầu phải có visa transit nếu tuyến bay của bạn transit qua sân bay tại nước đó, ví dụ bạn bay từ Hà Nội đến Amsterdam (Hà Lan) transit tại sân bay Heathrow ở London (Anh): HAN - LHR - AMS, bạn phải có thêm visa transit tại Anh bên cạnh visa vào Hà Lan.
• Tiền mặt để đóng thuế sân bay khi đi: một số sân bay châu Á như Nội Bài (Hà Nội), Don Muang (Bangkok), … thu lệ phí sân bay khi bạn đi máy bay từ nơi đó (trong khi các sân bay ở nơi khác gộp thuế đó vào luôn giá vé máy bay), thông thường lệ phí này thu bằng đơn vị tiền của nước sở tại, để tránh phải đổi tiền tại sân bay (nơi mà tỉ giá thường thấp) bạn nên chuẩn bị sẵn số tiền này. Ngoài ra bạn cũng nên có trước một ít tiền của nước đến để có thể tiêu ngay mà không cần phải đổi ở sân bay.
Bên cạnh đó là các đồ dùng mà bạn muốn mang theo, chia làm hai loại:
• Đồ xách tay (hand/cabin luggage) là đồ mà bạn mang theo bên mình khi lên máy bay, bạn sẽ để đồ này lên giá phía trên ghế ngồi hoặc dưới gầm ghế hoặc giữ bên mình. Hành lý dạng này thường có giới hạn về kích thước, cân nặng, số lượng túi được mang theo, … tuỳ theo quy định của từng hãng hàng không. Do vấn đề về an ninh, bạn không được phép mang theo các vật dụng có ý sát thương như dao, kéo, …
• Đồ gửi (checked luggage) thường là đồ nặng, cồng kềnh mà bạn gửi khi làm thủ tục check-in, đồ này vẫn đi cùng chuyến bay với bạn nhưng được để ở khoang hành lý riêng, bạn chỉ có thể lấy đồ khi đến nơi. Tuỳ theo loại vé máy bay, hãng hàng không mà số lượng đồ gửi (tính theo kiện/bao/gói) hay cân nặng được quy định khác nhau, nếu bạn gửi quá mức qui định thì phải đóng thêm tiền. Các hãng đều qui định danh mục các mặt hàng không được phép mang theo, bạn phải tuân thủ quy định này.
1.2. Vé máy bay
Bạn có thể mua vé máy bay trực tiếp qua các hãng hàng không hoặc qua các đại lý, thường mua qua đại lý hay mua trước khi đi một thời gian thì giá sẽ rẻ hơn. Một số hãng hàng không hiện nay bán vé qua Internet, do không phải trả thêm tiền thuê nhân viên, địa điểm, … , nên giá vé cũng ngang với giá của đại lý. Ở châu Âu còn có các hãng hàng không giá rẻ (low cost airline), những hãng này thường có các tuyến bay từ các thành phố lớn đến các điểm du lịch nổi tiếng ở châu Âu, chuyến bay thường kéo dài khoảng 1 - 4 tiếng, không phục vụ ăn miễn phí nên giá vé rất rẻ.
Đôi khi có những đợt khuyến mại thì giá vé cũng thấp hơn so với bình thường, đổi lại sẽ có một số hạn chế ví dụ số kg đồ gửi thấp, thời gian hợp lệ của vé ngắn, không được trả lại vé một khi đã mua hoặc số tiền trả lại sẽ thấp so với vé không khuyến mại, …
Các thông tin liên quan đến vé máy bay:
• Hạng vé (class): tuỳ theo phân loại của từng hãng mà có thể có nhiều hạng khác nhau, phổ biến có Economy, Bussiness và First class, trong đó hạng Economy là rẻ nhất.
• Tình trạng vé (status):
• OK/Confirmed: ngày giờ bay là chính thức.
• Wait Listed: ngày giờ bay mà bạn đã đăng ký chưa được chắc chắn do đã hết chỗ và bạn được cho vào danh sách đợi. Nếu có người bỏ chỗ mà bạn đứng đầu danh sách đợi thì bạn sẽ được đi vào chuyến đã đăng ký, khi đó status của bạn chuyển thành OK.
• Open Dated: bạn chưa đăng ký ngày, giờ bay. Bạn có thể đăng ký bất cứ lúc nào miễn là trước khi vé hết hạn sử dụng.
1. Chuyến bay (flight): ký hiệu chuyến bay, ví dụ VN188, bạn có thể tìm thông tin về chuyến bay trên các bảng điện tử qua ký hiệu này.
2. Ngày giờ bay (date/time): ngày/giờ máy bay cất cánh ở nơi đi và hạ cánh ở nơi đến, giờ địa phương
3. Bay thẳng (non-stop) hay quá cảnh (transit): bay thẳng là chuyến bay đi thẳng từ điểm bạn cần đi đến nơi bạn cần đến, transit là chuyến bay dừng tại một hoặc vài nơi khác trước khi đến điểm bạn cần đến.
Các điều kiện ràng buộc:
1. • Trọng lượng hành lý gửi: tuỳ theo loại vé, hãng hàng không mà số kg hành lý có giới hạn khác nhau. Thông thường đi đường dài được gửi 30kg/người, đi nhiều người với nhau có thể gộp lại để chung tải. Nếu gửi quá mức qui định thì phải đóng thêm tiền, lệ phí cao.
2. • Thời hạn hợp lệ của vé: tính từ lúc mua hoặc từ lúc bắt đầu bay, có loại 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, … tuỳ theo từng hãng. Thời hạn càng dài thì giá càng cao.
3. • Refundable: vé có thể trả lại hay không khi bạn không thể tiếp tục chuyến bay, tuỳ theo qui định mà bạn được trả lại một phần tiền hoặc không.
Mua vé:
Đặt chỗ: Bạn thông báo cho nơi bán địa điểm đi và đến, ngày giờ bay nếu đã xác định, hạng vé, một chiều hay hai chiều. Bên bán sẽ cho bạn biết: chuyến bay tương ứng còn chỗ hay không, nếu hết chỗ của hạng vé đăng ký thì bạn có muốn vào danh sách đợi hay không, giá vé, các điều kiện ràng buộc của vé, thời hạn phải trả tiền lấy vé. Hai bên thoả thuận với nhau. Khi chưa trả tiền, bạn có thể thay đổi lại các thông tin đặt chỗ hoặc huỷ bỏ mà không phải trả lệ phí.
• Trả tiền, lấy vé: Tuỳ theo loại vé, qui định của từng đại lý, hãng hàng không mà bạn sẽ phải trả thêm tiền nếu muốn thay đổi lại các thông tin đã ghi trên mặt vé một khi đã nhận vé. Đối với loại vé chưa xác định ngày giờ bay (Open Dated), bạn có thể trả tiền lấy vé rồi đặt chỗ sau mà không phải trả lệ phí, tuy nhiên nếu sau đó bạn muốn thay đổi ngày giờ bay thì việc có áp dụng mức phí hay không lại tuỳ thuộc vào loại vé bạn đã mua, đại lý, hãng hàng không. Các hãng hàng không đều có địa chỉ liên lạc tại thành phố nơi bạn sẽ đi, bạn có thể gọi đến số điện thoại này: 0989898959 để liên lạc thay vì phải gọi về nơi đã mua vé
• 1.3. Sân bay:
Các sân bay thường nằm cách trung tâm thành phố từ vài km đến vài chục km, các thành phố phát triển thường có các phương tiện giao thông công cộng (bus, metro, tram, train) nối sân bay với trung tâm, bên cạnh các phương tiện khác đắt tiền hơn như taxi, express bus.
Sân bay bao giờ cũng chia làm 2 khu tách biệt:
Khu đến - arrival: nơi mà hành khách từ nơi khác bay đến sẽ đi ra ở khu vực này
Khu đi - departure: nơi mà hành khách làm thủ tục để đi máy bay đến nơi khác
• Trong mỗi khu có thể chia làm hai: nội địa (dành cho các chuyến bay nội địa) và quốc tế (dành cho các chuyến bay quốc tế).
Với các sân bay lớn, từng khu nói trên còn chia làm bến - terminal (ví dụ ở sân bay Bangkok, Singapore), mỗi terminal có một số hãng hàng không nhất định hoạt động, bạn đi hãng nào hoặc đón người thân đi hãng nào thì đến terminal tương ứng của khu tương ứng.
Các biển báo ở sân bay đều ghi rất rõ bằng hai thứ tiếng: tiếng địa phương và tiếng Anh. Sân bay luôn có các trạm thông tin (information point) để giúp đỡ hành khách. Các sân bay lớn thậm chí còn cho in sơ đồ sân bay.
Các cửa hàng bán đồ lưu niệm, đồ ăn, toilet đều có ở sân bay. Bạn nên mang đồ ăn từ nhà theo nếu muốn tiết kiệm, thông thường khi đi máy bay, bạn phải đến trước giờ cất cánh 2 - 3 tiếng để làm các thủ tục.
Các bảng điện tử nằm rải rác trong sân bay thông báo các chuyến bay đến và đi, bạn xem thông tin ở đây và để ý loa thông báo. Cần chú ý để không nhầm giữa thông tin đi (departure) và đến (arrival), các chuyến bay của terminal nào.
Thông tin về chuyến bay đi gồm có: tên chuyến bay, điểm đi/đến, ngày giờ đi/đến, tình trạng (chưa có thông tin, bắt đầu check-in, bắt đầu vào phòng đợi, chuẩn bị cất cánh, …).Thông tin về chuyến bay đến gồm có: tên chuyến bay, điểm đi/đến, ngày giờ đi/đến, tình trạng (chưa có thông tin, sắp đến, đã đến, …).
1.4. Check-in ( Làm thủ tục tại quầy)
Ở khu departure, bạn tìm đến các quầy của hãng hàng không mà bạn đi, thường có hai hoặc nhiều quầy. Nếu đã đến giờ check-in, các quầy sẽ có nhân viên phục vụ. Nếu vé của bạn chưa ghi chỗ ngồi (seat) mà bạn muốn chọn chỗ thì nên đến sớm để xếp hàng. Tuỳ theo hạng vé mà bạn xếp hàng vào quầy tương ứng. Hạng Bussiness hay First class có quầy riêng, chỉ khi nào không có khách đi hạng này mà có đông khách đợi ở các hạng khác thì các nhân viên mới linh động làm thủ tục cho khách các hạng khác ở quầy này.
Trước khi đi vào các quầy để làm thủ tục, bạn có thể phải đi qua trạm kiểm soát đồ, bạn chỉ phải đưa hành lý gửi lên để scan, đồ xách tay sẽ kiểm tra ở các bước sau.Bạn phải đưa vé máy bay, chứng minh thư hoặc hộ chiếu/visa cho nhân viên tại quầy kiểm tra, nếu có đồ gửi bạn đưa lên bàn cân, nhân viên có thể kiểm tra luôn hành lý xách tay của bạn có hợp lệ không. Nếu đi một nhóm, bạn có thể làm thủ tục cùng lúc với họ.
Bạn có thể đề nghị được ngồi cạnh cửa sổ hay cạnh lối đi, nếu còn chỗ trong hạng tương ứng nhân viên sẽ xếp cho bạn theo yêu cầu. Ngồi cạnh cửa sổ thích hợp với những chuyến bay ngắn, bạn không bị quấy rầy bởi người ngồi phía trong khi họ muốn ra ngoài, hoặc bạn có thể ngắm cảnh khi máy bay cất/hạ cánh. Nếu bạn không muốn làm phiền người khác khi hay phải đi toilet thì bạn có thể xin ngồi cạnh lối đi.
Sau khi xong thủ tục, bạn sẽ nhận lại vé máy bay (đã bị xé đi trang tương ứng với chuyến bay đang làm thủ tục), giấy tờ đưa lúc trước, thẻ lên máy bay - Boarding Pass, và cuống vé tương ứng với hành lý gửi. Có bao nhiêu kiện hành lý gửi thì có bấy nhiêu cuống vé, bạn phải giữ cuống vé cho đến khi ra khỏi sân bay.
Từ lúc này đến lúc lên máy bay, bạn sẽ dùng Boarding Pass thay thế cho vé máy bay. Trên thẻ này ghi địa chỉ phòng đợi tức là cổng - gate mà bạn sẽ phải có mặt trước khi lên máy bay, thời gian phòng đợi mở cửa, số ghế (seat) trên máy bay của bạn.Trong trường hợp bạn đi transit, nhân viên có thể sẽ làm luôn Boarding Pass cho (các) chặng tiếp theo của bạn, bạn chú ý không nhầm giữa các Boarding Pass với nhau.
Tuỳ theo tình hình họ sẽ thông báo cho bạn biết hành lý gửi của bạn sẽ được tự động chuyển giữa các chuyến bay và bạn sẽ lấy đồ ở đích cuối cùng hay phải tự lo ở từng địa điểm.Sau khi làm thủ tục check-in xong bạn có thể đi thẳng vào các khu vực bên trong hoặc chưa vào ngay nếu còn nhiều thời gian.
Lưu ý, bạn có thể bị tắc trong các hàng đợi ở các bước làm thủ tục xuất cảnh hay kiểm tra an ninh.Nếu sân bay thu lệ phí, bạn nên mua ngay để tránh mất thời gian sau này.
1.5. Làm thủ tục xuất cảnh
Tuỳ theo sân bay, bước kiểm tra an ninh có thể diễn ra trước hoặc sau bước làm thủ tục xuất cảnh.
Nếu bạn đi ra nước ngoài, bạn sẽ phải làm thủ tục xuất cảnh. Tại đây, bạn đưa ra hộ chiếu/visa, nhân viên hải quan xem xét và có thể đóng dấu vào hộ chiếu của bạn hay gỡ bỏ visa/giấy tờ liên quan khỏi hộ chiếu của bạn nếu đã hết giá trị.
1.6. Kiểm tra an ninh
Đồ xách tay của bạn sẽ được đưa qua máy quét, và bạn sẽ đi qua một cổng từ, chìa khoá hay các đồ kim loại bạn nên cho ra khay để qua đường máy quét, tránh làm mất thời gian của cả hai bên một cách không cần thiết.
1.7. Vào phòng đợi
Sau khi xong hai bước trên là bạn đã vào khu vực quốc tế, tại đây có các quầy hàng lưu niệm, đồ ăn, … bạn có thể đi dạo nếu còn thời gian hoặc đến thẳng phòng đợi. Các sân bay lớn thường có các khu giải trí giúp hành khách tiêu thời gian nếu phải chờ đợi lâu (như khi đi transit).
Bạn có thể yêu cầu nhân viên sân bay chở đến phòng đợi nếu bị mệt hoặc do sắp đến giờ bay.
Phòng đợi có thể chưa mở cửa, bạn có thể ngồi ở gần đó hoặc đi dạo xung quanh
Nên để ý các thông báo trên loa hoặc trên các bảng điện tử.
Nếu bạn có vé hạng Bussiness hay First class, sẽ có một khu vực riêng dành cho bạn J
Chú ý: vặn đồng hồ theo giờ địa phương để tránh bị động, mặc dù bạn sẽ không bị bỏ rơi một khi đã vào đến đây.
1.8. Lên máy bay
Khi đến giờ lên máy bay, nhân viên của hãng hàng không sẽ xuất hiện ở phòng đợi. Hành khách có vé hạng cao vào trước, tiếp đó là những người tàn tật, những người có trẻ em đi cùng, những người còn lại xếp hàng lần lượt vào hoặc nhân viên sẽ gọi theo số ghế. Bạn đưa ra Boarding Pass, nhân viên xé một phần và đưa lại cho bạn mảnh nhỏ hơn trên đó có ghi số ghế của bạn, bạn đi theo hành lang nhỏ để lên máy bay hoặc ra xe bus để đến chân máy bay.
Số ghế trên máy bay có dạng 55B, trong đó 55 là hàng ghế, chữ cái đi kèm chỉ vị trí ghế trong hàng. Máy bay nhỏ thường có 6 ghế một hàng, trong khi máy bay lớn có thể có 10 ghế hoặc hơn. Tiếp viên trên máy bay sẽ hướng dẫn bạn đi đúng lối để đến vị trí của bạn. Khi đến đúng hàng ghế của mình, bạn nhìn ký hiệu chữ cái và hình vẽ tương ứng để ngồi đúng chỗ. Hành lý xách tay để trên giá phía trên đầu hoặc dưới ghế ngồi/chân của bạn. Bạn có thể gửi tiếp viên cất hộ áo comple/vest để tránh bị nhàu nát.
Ghế ngồi có thể ngả ra đằng sau cho thoái mái, ở gầm ghế phía trước có thể có cái để chân. Tuy nhiên lúc máy bay cất/hạ cánh bạn phải để lưng ghế thẳng, không sử dụng cái để chân, không sử dụng các thiết bị điện tử. Mỗi ghế ngồi có một số nút điều khiển riêng như đèn, nút gọi tiếp viên. Các máy bay đường dài có màn hình video, radio và điều khiển cho mỗi chỗ ngồi. Lưng ghế phía trước có bàn ăn gấp lại, phía dưới là một tập thông tin. Bạn có thể cầm theo các tạp chí quảng cáo lúc xuống máy bay, riêng hướng dẫn an toàn trên máy bay thì không được lấy. Phía trên ghế ngồi có biển báo chỉ dẫn khi nào thì phải đeo dây bảo hiểm, được phép hút thuốc hay không. Khi máy bay cất/hạ cánh hoặc khi đi vào vùng xóc (có đèn hiệu thông báo), bạn phải đeo dây bảo hiểm.
Trong khi máy bay cất cánh, tiếp viên sẽ hướng dẫn các bước phải làm khi có sự cố.
Sau đó, mỗi người được phát một khăn mặt để lau mặt và tay. Đồ uống được đem ra, bạn có thể chọn rượu mạnh (alcohol) (tuỳ tuyến bay), rượu vang (red/white wine), bia, nước ngọt, nước hoa quả, nước khoáng. Đồ ăn thường có một món chính (có thịt), salad, bánh mỳ tròn nhỏ, tráng miệng. Thường có 2 lựa chọn cho món chính ví dụ gà nấu mì và thịt lợn với khoai tây, nếu đến lượt bạn mà vẫn còn đủ hai lựa chọn thì bạn có thể lựa món J Sau khi ăn xong tiếp viên sẽ phục vụ café hoặc chè. Đi đường dài, chuyến bay sẽ có 2 bữa ăn chính và một bữa phụ. Chuyến đi ngắn thường chỉ có 1 bữa ăn, đôi khi không phục vụ rượu miễn phí. Ngoài các bữa ăn bạn có thể xin nước uống bất cứ lúc nào. Khi ăn, bạn phải dựng ghế cho thẳng.
Nếu lạnh, bạn có thể nói tiếp viên cho mượn chăn để đắp.
Khi đi đường dài, thỉnh thoảng bạn nên ra khỏi chỗ đi lại cho đỡ mỏi và tập các động tác để thư giãn cơ thể.
1.9. Xuống máy bay
Trừ trường hợp phải xuống gấp để đi chuyến tiếp theo cho kịp thời gian, hành khách ra khỏi máy bay đầu tiên là những người có vé hạng cao, những người còn lại xếp hàng lần lượt ra. Nếu đông hành khách hoặc máy bay lớn, có thể có thêm đường ra ở phía đuôi máy bay. Các sân bay hiện đại có hành lang dẫn thẳng từ máy bay vào trong, các sân bay khác có thể dùng xe bus đưa khách từ máy bay vào.
( to be continued)
Hình đại diện của người dùng
vemaybayhoalu
 
Bài viết: 1
Ngày tham gia: 19 Tháng 5 2012 22:40

Làm thế nào để thoát chết khi rơi máy bay?

gửi bởi vemaybayhoalu 19 Tháng 5 2012 23:00

Điều đầu tiên để sống sót trong một tai nạn hàng không là bạn phải thật may mắn. Bên cạnh đó cũng có một số cách có thể gia tăng khả năng thoát khỏi lưỡi hái tử thần khi máy bay rơi, từ cách chọn chỗ ngồi đến tránh ngạt khói.

Lịch sử ngành hàng không chứng kiến vụ rơi máy bay gây chết người từ năm 1908, chỉ 5 năm sau khi anh em nhà Wright thực hiện chuyến bay có điều khiển và ổn định đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Nạn nhân tử nạn đầu tiên chính là một trong hai nhà sáng chế của ngành hàng không này là Orville Wright.
Các vụ tai nạn máy bay dễ gây sốc nhưng trên thực tế số người sống sót trong các thảm kịch hàng không lại lớn hơn số người chết. Một nghiên cứu của Mỹ cho thấy có 568 vụ rơi máy bay ở nước này trong giai đoạn 1993 - 2000, liên quan đến 53.487 hành khách và phi hành đoàn. Điều ngạc nhiên là 51.207 người trong số này (chiếm trên 90%) đã sống sót. Thậm chí trong 26 vụ tai nạn được coi là nghiêm trọng nhất thì vẫn có hơn nửa số hành khách và phi hành đoàn sống sót.

Nghiên cứu trên cho thấy một điều quan trọng là có rất nhiều khả năng sống sót trong các tai nạn máy bay. Cũng theo cuộc điều tra này, một phần ba những người thiệt mạng do rơi máy bay (chủ yếu là do ngạt khói và cháy) đáng lẽ có thể sống sót nếu thực hiện đúng các chỉ dẫn đề phòng. Dưới đây là những lời khuyên có thể giúp bạn tự cứu mạng mình khi rơi vào một thảm kịch hàng không.

Có kế hoạch

Các nghiên cứu đều cho thấy, việc có một khái niệm từ trước sẽ làm gì trong trường hợp máy bay rơi hoặc hạ cánh khẩn cấp là điều tối quan trọng để sống sót. Trước hết bạn phải lắng nghe các chỉ dẫn về an toàn và đọc tờ hướng dẫn có sẵn trên máy bay. Đây là việc làm đơn giản dễ bị nhiều người đi máy bay bỏ qua, nhưng nếu không chú ý bạn sẽ không thể biết chính xác cách tìm ra lối thoát hiểm gần nhất khi khẩn cấp.

Những chỗ ngồi an toàn

Những chỗ ngồi cạnh lối thoát hiểm thường được coi là an toàn nhất trên máy bay. Nhưng trên trang web của nhà sản xuất Boeing họ coi đây chỉ là "một chỗ ngồi an toàn như các chỗ khác". Ý kiến chung của những người thường đi máy bay thì cho rằng, chỗ ngồi phía sau phi cơ an toàn hơn. Một số khác lại nghĩ chỗ ngồi ở phần cánh là an toàn vì đó là nơi chắc chắn nhất của máy bay.

Trong khi đó các vụ tai nạn máy bay hết sức đa dạng, đôi khi chỉ những người ngồi ở phía trước sống sót hoặc chỉ những người ngồi ở phần gần cánh còn sống. Năm 2007, tạp chí Popular Mechanics tiến hành nghiên cứu tất cả các vụ rơi máy bay từ năm 1971 để tìm hiểu chỗ ngồi nào trên phi cơ thường có người sống sót. Họ phát hiện những người ngồi phía đuôi máy bay có tỷ lệ an toàn cao hơn. Tỷ lệ sống sót của những người ngồi khu vực này là 69% so với 56 % ngồi ở phần cánh và 49 % ngồi ở phần đầu máy bay.
Tư thế an toàn

Cũng giống như chỗ ngồi, có nhiều ý kiến khác nhau về tư thế hành khách trong trường hợp khẩn cấp để bảo vệ bản thân. Nhưng điều trớ trêu là một trong những tư thế được gợi ý là gập người sát đầu gối lại không thể thực hiện được, nếu hành khách đi hạng ghế phổ thông, nơi mà khoảng không phía trước bạn không đủ rộng để thực hiện tư thế đó.

Trong vụ rơi chiếc máy bay M1 Kegworth năm 1989 có 79 trong số 126 người trên khoang thoát chết. Nhưng nhiều người may mắn này đã bị gẫy gập phần chân dưới đầu gối, do tư thế ngồi duỗi chân hoặc dựa vào phần ghế trước. Do đó trong trường hợp khẩn cấp hãy đặt chân thẳng trên sàn máy bay và đặt hành lý xách tay phía dưới ghế ngồi phía trước để tạo thành một cái đệm giảm va đập chân với ghế.

Nếu có thể bạn hãy thực hiện những biện pháp bảo vệ bổ sung cho phần đầu của mình như sử dụng một chiếc gối. Đồng thời đảm bảo rằng không có những vật cứng và nhọn trong người bạn như bút chì, và giữ vững tư thế an toàn cho đến khi máy bay dừng hẳn.

Bình tĩnh và khôn ngoan

Một trong những việc then chốt có thể giúp bạn sống sót là lắng nghe và thực hiện theo những chỉ dẫn của phi hành đoàn. Nhưng trong trường hợp họ hoặc những người ngồi xung quanh đã rơi vào tình trạng hôn mê, thì bạn phải tự quyết định và hành động. Trong trường hợp tương tự, những hành khách quá sợ hãi thường ngồi yên trên ghế và đợi hướng dẫn. Dù với bất cứ lý do nào bạn cũng phải di chuyển càng nhanh càng tốt khi máy bay gặp tai nạn.

Tránh ngạt khói

Lửa là nguyên nhân chính dẫn tới cái chết của hành khách trong các tai nạn máy bay có người sống sót, nhưng khói còn nghiêm trọng hơn. Chỉ cần hít phải khói trong giây lát cũng có thể khiến hành khách bị bất tỉnh. Do đó hãy tìm mọi thứ có thể tẩm ướt để che mũi và miệng của mình, như khăn mù xoa hoặc miếng vải lót ghế phía sau đầu. Nếu không có sẵn nước hãy tận dụng cả nước tiểu để làm ướt chúng. Đây là vấn đề giữa sự sống và cái chết nên không có thời gian cho lựa chọn.

Rảnh tay

Mọi người thường có những hành động khác thường sau khi tai nạn máy bay xảy ra, một trong những việc đó là cố gắng vơ lấy tất cả tư trang của mình. Điều tối quan trọng là hãy từ bỏ chúng, vì bạn sẽ không có đủ thời gian và tư trang sẽ làm bạn và người khác bị chậm khi thoát ra ngoài. Do đó phải để hai tay mình không phải vướng bận vì bất cứ thứ gì để có thể rảnh tay dỡ bỏ chướng ngại vật khi chạy hoặc che mũi và miệng tránh ngạt khói.

Tuy nhiên cũng tuyệt đối không xô đẩy nhau vì bạn sẽ không thể thoát nhanh hơn khỏi máy bay bằng cách này và khiến mọi thứ càng chậm chạp. Hơn nữa hành động xô đẩy khi thoát thân có thể khiến bạn bị người khác trả đũa. Nên nhớ rằng trong những tình huống khẩn cấp giữa sự sống và cái chết thì người ta thường rất khỏe và hành động xô đẩy có thể khiến bạn bị người khác hạ đo ván.

Di chuyển thật nhanh

"Thời gian vàng" của việc thoát thân trong một vụ tai nạn máy bay thường chỉ kéo dài tối đa khoảng 2 phút. Do đó hãy lắng nghe chỉ dẫn của các tiếp viên và tiến tới cửa thoát hiểm một cách nhanh nhất, đồng thời thoát ra ngoài máy bay mà mất ít thời gian nhất có thể. Bạn có nên dừng lại để giúp đỡ người khác thoát thân không? Điều này tùy thuộc vào bạn cũng như tình huống cụ thể.
Theo VnExpress.net
Hình đại diện của người dùng
hf1102
 
Bài viết: 5
Ngày tham gia: 11 Tháng 10 2012 23:05

"Vượt ải" hải quan siêu nhanh!

gửi bởi hf1102 23 Tháng 11 2012 23:32

Chuẩn bị thật kỹ tư trang và tinh thần giúp bạn qua cửa an ninh mà chẳng gặp chút rắc rối.
Để đảm bảo an ninh, trước khi lên máy bay, mọi hành khách đều phải qua cửa kiểm tra an ninh nghiêm ngặt. Nếu muốn giảm bớt thời gian cũng như rắc rối trong công đoạn này, đừng bỏ qua những lời khuyên sau.

1. Đóng gói đồ chuyên nghiệp

Hình ảnh

Hãy đóng gói hành lý xách tay theo chức năng và mức độ cần thiết của từng món đồ. Đừng giấu hộ chiếu, giấy tờ hay vé máy bay của bạn ở đáy ba lô, dưới cả đống tạp chí hay quần áo. Cũng đừng quên những món đồ không được phép mang lên máy bay như nước, hay mọi loại chất lỏng. Hãy cất ngay chai nước hoa hay lọ dầu gội yêu thích vào hành lý ký gửi trước khi phải ngậm ngùi giã từ chúng ở cửa kiểm tra an ninh.

2. Cẩn thận với lời nói, cử chỉ

Hình ảnh

Đừng nói đến những từ nhạy cảm khi đang kiểm tra an ninh, chẳng hạn như “bom”, dù dưới bất kỳ hình thức nào. Khi kiểm tra an ninh, đừng gọi điện thoại, đeo kính râm, đội mũ che mặt hoặc làm bất cứ hành động nào trông có vẻ khả nghi.

3. Sẵn sàng tư trang

Hình ảnh

Trước khi qua cửa kiểm tra an ninh, hãy cẩn thận bỏ hết những gì có chứa lượng kim loại lớn như thắt lưng, đồng hồ, trang sức, điện thoại… Một số cửa kiểm tra nghiêm ngặt còn yêu cầu bạn tháo giày, vì vậy lời khuyên là nên đi những đôi giày không có dây để tránh rắc rối trong việc cởi và buộc lại dây giày.

4. Chọn lựa nơi xếp hàng

Hình ảnh

Hãy chú ý một chút vào những hàng người nối đuôi nhau trước cổng kiểm tra an ninh. Hàng người ngắn chưa chắc đã nhanh hơn. Hãy chọn những hàng có nhiều hành khách đi công tác kết hợp du lịch thay vì đứng vào những hàng có nhiều gia đình và con nhỏ.

5. Sau khi kiểm tra, rời khỏi cửa an ninh nhanh

Hình ảnh

Hãy mang những tư trang của mình ra một địa điểm xa hơn để chỉnh sửa thay vì đứng lại tại cổng kiểm tra an ninh, nhường chỗ cho những người kiểm tra sau bạn.
(Sưu tầm từ Internet)
Hình đại diện của người dùng
haclongdd
 
Bài viết: 2
Ngày tham gia: 26 Tháng 7 2012 08:11
Đến từ: Tp HCM

Kinh Nghiệm Chọn Chổ Ngồi Khi Đi Máy Bay

gửi bởi haclongdd 15 Tháng 12 2012 12:35

Có những khách hàng đi máy bay thường xuyên trên cùng một tuyến đường đến độ họ biết rõ sơ đồ của ghế ngồi sẽ là 3-3; 2-3 hoặc 2-4-2 tùy lọai máy bay… Và dựa vào đó họ sẽ yêu cầu nhân viên bán vé xếp họ ở ghế 4A (cửa sổ) hoặc 10C (lối đi). Tuy nhiên bạn có thể yêu cầu được xếp chỗ như sau: Lối đi;cửa sổ; gần lối đi, phía trước; gần cửa sổ, phía trước.

Hình ảnh

- Nếu bạn có thật nhiều tiền, hãy chọn cho mình ghế hạng nhất (First Class), với chỗ ngồi này bạn có một bàn ăn lịch sự, chất lượng ghế cao cấp, thoải mái ngủ, nghỉ và có nhiều phương tiện giải trí tiện nghi hơn (nhạc, phim,báo chí...)

- Ở mức tiền ít hơn bạn có thể chọn ghế hạng thương gia (Business Class), không phải riêng một góc trời nhưng cũng tương đối rộng rãi.

- Tuy nhiện, phần đông hành khách đi máy bay đi hạng ghế là E class = Economy Class.

Tùy theo hãng hàng không, đôi khi các bạn có thêm sự lựa chọn là ghế ngồi hạng Premium Economy class (W class), về chỗ ngồi, hạng này thường tương tự như E class nhưng được cung cấp thêm một số bổ sung về phương tiện giải trí, hỗ trợ dịch vụ tốt hơn, được ngả người ra nhiều hơn, bữa ăn ngon hơn,...những hãng hàng không cung cấp loại ghế này có thể kể ra như Japan Airlines, Việt Nam Airlines, Air France, Thailand Air...

- Nếu đặt vé trực tuyến ( book online) không có gì khó khăn, bạn hãy truy cập vào trang web của hãng hàng không lựa chọn, xem sơ đồ chỗ ngồi rồi tự chọn lấy một chỗ ưng ý cho mình. Chú ý những ghế ngồi tô màu xanh lá gợi ý đây là chỗ ngồi tốt.

Nếu bạn không được phép chọn chỗ ngồi, có lẽ là chuyến bay đang ở tình trạng có quá nhiều yêu cầu đặt chỗ (overbook).

- Nếu bạn dễ bị say khi tàu xe, hãy chọn cho mình chỗ ngồi ở phần giữa ngay khu vực cánh máy bay vì đây là vị trí tốt nhất cho những người gặp vấn đề này.

- Nên "check in" sớm hơn mọi người. Câu nói đầu tiên với nhân viên là chào hỏi và kèm theo luôn đó là một đề nghị được ngồi "isle seat" (ghế cạnh đường đi) và "close to the wind" ( vị trí ghế gần phần cánh máy bay ). Tuy động cơ phản lực nằm trên cánh máy bay, nhưng người ngồi trên cánh và trước cánh sẽ không bao giờ nghe gì cả... chỉ có những hàng ghế sau đuôi ống phản lực sẽ gánh chịu hết những tiếng ồn đó.

- Cũng nên lưu ý, do cấu trúc máy bay đường dài, 4 động cơ phản lực, thì phần đuôi máy bay khá dài. Đuôi càng dài, độ rung, dao động của phần đuôi so với cánh càng lớn. Hãy tránh xa hàng ghế cuối cùng của chiếc máy bay, vì thông thường hàng ghế này gần động cơ sẽ có nhiều tiếng ồn cũng như bạn không thể ngửa ghế ra được. Thậm chí, ngồi trên những chiếc ghế cuối cùng bao giờ cũng chóng mặt, say sóng nhiều hơn là những chiếc ghế trên cánh.

- Hành khách nào có chiều cao và trọng lượng cơ thể quá khổ thì nên yêu cầu nhân viên xếp mình ngồi ở hang ghế có cửa thoát hiểm, nơi khỏang cách giữa các hàng ghế, đặc biệt là hàng ghế thoát hiểm luôn rộng hơn. Nhưng không phải lúc nào yêu cầu này cũng được đáp ứng.
Hình đại diện của người dùng
candysocola1990
 
Bài viết: 12
Ngày tham gia: 18 Tháng 3 2013 11:35

Một vài lưu ý khi đi máy bay trong năm 2013

gửi bởi candysocola1990 19 Tháng 3 2013 13:18

Một vài lưu ý khi đi máy bay trong năm 2013

Năm 2012, cả thế giới đã có hơn một tỷ lượt người đi du lịch, đa phần bằng đường hàng không, và năm này được giới chuyên ngành công nhận là năm bay an toàn nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai. Số vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng làm nhiều người chết đã giảm đáng kể. Còn trong năm mới 2013, dù bay gần hay bay xa, mỗi người trong chúng ta hãy luôn ứng xử như là những hành khách văn minh, lịch thiệp.

Là hành khách mà còn được nâng lên hàng “thượng đế” nên chúng ta thường hay dễ chê trách máy bay của hãng này, phê bình đội tiếp viên của hãng nọ, tức bực với những người ngồi cạnh mình trong chuyến bay...

Nhưng có bao giờ chúng ta thử xét xem mình đã ứng xử đúng mực là những hành khách hoàn hảo chưa? Những chàng trai, cô gái hành nghề tiếp viên hàng không cũng có những khoản không bằng lòng về hành khách kém văn minh, thiếu lịch sự. Họ bộc bạch thế này:

Điều gì khiến tiếp viên hàng không khó chịu nhất? Hành khách không chú ý khi chúng tôi hướng dẫn về vấn đề an toàn chẳng khác nào họ xúc phạm và gây phiền nhiễu. Cho dù có thể nhiều người trong số họ thường đi máy bay, nhưng họ phải hiểu là có nhiều loại máy bay khác nhau nên những thao tác khi gặp sự cố cũng có thể khác nhau.

Trong khi chúng tôi nói thì họ vẫn đọc báo, chứng tỏ họ nghĩ chuyện đó chẳng có gì quan trọng. Ngoài ra, hành khách vẫn đeo tai nghe khi chúng tôi hỏi muốn dùng thức uống nào khiến chúng tôi phải nhắc lại câu hỏi.

Chưa kể, trong lúc đeo tai nghe, nhiều người không nhận ra là họ đang hét vào mặt chúng tôi. Và bạn sẽ bị sốc khi thấy nhiều người hầu như chỉ trơ mắt nhìn khi chúng tôi phục vụ họ. Tại sao lại có thể tiết kiệm một lời nói “xin vui lòng” và “cảm ơn”?

Những lưu ý phòng tránh mất cắp khi đi máy bay

Chúng tôi cũng không khỏi sửng sốt với số hành khách tỉnh bơ gác chân lên lưng ghế trước như thể chiếc ghế đệm ở nhà. Dấu giày cùng với vết bẩn từ đôi giày còn hiện rõ trên lưng ghế sau. Chưa hết, tại sao người ta nghĩ rằng có thể cắt móng tay, móng chân trên máy bay?

Hành khách có thể làm gì để lên máy bay nhanh hơn? Một trong những điều khiến chúng tôi dễ bực mình nhất là xem mọi người sắp xếp túi xách khi vào hàng ghế. Chúng tôi liên tục nhắc nhở họ bước vào hàng để người sau có thể đi tiếp, nhưng họ dường như chẳng nghe thấy.

Có người còn để đồ chiếm hết ngăn chứa đồ bên trên, không chừa chỗ cho những người ngồi cùng hàng ghế với mình. Ít người biết đặt túi xách có bánh xe với quai xách hướng ra ngoài.

Ngày càng có nhiều khách đi cùng trẻ em, có cha mẹ già, hoặc đi với bạn bè... phải ngồi ở những hàng ghế khác nhau. Bạn có nên yêu cầu hành khách đổi ghế để những người này có thể ngồi gần nhau? Có, nhưng không phải lúc nào cũng được như ý.

Nếu một hành khách thích ngồi cạnh cửa sổ hoặc bên lối đi, hoặc đã trả tiền cho ghế có chỗ để chân thoải mái, họ sẽ không thích đổi chỗ. Đôi khi chúng tôi sẽ dành cho họ một hoặc hai món uống miễn phí nếu họ đồng ý, thêm một bữa ăn hoặc chai rượu vang..., nhưng không phải lúc nào cũng nhận được cái gật đầu.

Thậm chí, khi không còn cách nào khác, nếu còn một ghế trống ở hạng thương gia hoặc hạng nhất, chúng tôi cũng có thể đổi cho họ.

Những khiếu nại nào bạn nghe từ hành khách về những phiền nhiễu do người khác gây ra? Chúng tôi nghe đủ mọi thứ, từ vị khách “bốc mùi” đến những người nói nhiều, cứ nghĩ mọi người đều muốn nghe họ nói.

Đôi khi khách yêu cầu đổi ghế vì người ngồi kế bên là cái đài phát thanh. Hầu hết các chuyến bay đều có ai đó nghĩ rằng tất cả mọi người trên máy bay đến để dự buổi nói chuyện của họ!

Bạn có phân biệt đối xử với khách hàng qua cách ăn mặc không? Chúng tôi không cố tình phân biệt đối xử, nhưng theo bản năng, chúng tôi tự thấy mình có vẻ tôn trọng những người ăn mặc lịch sự. Bạn chỉ cần biết rằng người ăn mặc bảnh bao có thể trả tiền vé nhiều hơn người mặc quần short, đi dép lê.

Tác phong lịch sự là điều quan trọng đối với mọi hành khách, nhưng hãng hàng không của chúng tôi hoạt động được là nhờ khách du lịch cao cấp bù đắp chi phí cho khách mua vé giá rẻ. Tất nhiên nếu chúng tôi phải chuyển hạng ghế cho một ai đó trước khi máy bay cất cánh hoặc khi đang bay, chúng tôi sẽ chọn khách ăn mặc bảnh bao hơn là một người mặc áo thun ba lỗ!

Bạn đối phó thế nào với hành khách say rượu? Nếu họ ngồi ở hạng ghế phổ thông, chúng tôi sẽ ngưng phục vụ. Ở hạng ghế thương gia, chúng tôi cần dè dặt hơn.

Nếu họ yêu cầu một thức uống hỗn hợp, chúng tôi sẽ cho thật nhiều đá để giảm nồng độ và hầu như họ không để ý. Nếu họ gọi rượu, bia, chúng tôi sẽ chỉ rót chừng nửa ly chứ không đưa cả lon bia. Sự thật là độ cao có thể làm tăng ảnh hưởng của rượu và chúng tôi lưu ý đến điều này nhiều hơn bạn nghĩ.

Vài điều không nên làm trên máy bay (theo CNN)

Khi đã yên vị theo đúng số ghế ghi trên vé, bạn cần biết rằng, cabin máy bay cũng là một “không gian công cộng” như khi bạn đi xe đò, xe buýt, xe lửa. Vì vậy, cần lưu ý: Không để chân trần; không lạm dụng việc ngả lưng ghế; đừng lấn chỗ trên ngăn chứa hành lý; không nói chuyện lớn tiếng với người lạ; đừng đùa ngớ ngẩn; đừng nhìn chằm chằm nữ tiếp viên từ đầu đến chân; đừng vứt bã kẹo cao su lung tung; đừng để tiếng nhạc phát ra từ tai nghe quá to; đừng có cử chỉ suồng sã...
Nguồn: sotaydulich.com.
Quay về Kinh nghiệm du lịch
 


  • Bài Viết Liên Quan
    Trả lời
    Xem
    Bài viết sau cùng

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.1 khách.