Thảo luận về nghiệp vụ hướng dẫn viên, điều hành tour, tiếp thị du lịch trực tuyến, hợp tác
Hình đại diện của người dùng
kieugiangbanggia
 
Bài viết: 2
Ngày tham gia: 02 Tháng 3 2012 22:45

THUYẾT MINH KHU DU LỊCH SINH THÁI NGHỈ DƯỠNG HỒ PHÚ NINH

gửi bởi kieugiangbanggia 20 Tháng 12 2012 09:39

THUYẾT MINH HỒ PHÚ NINH
Biên soạn: Võ Văn Lân - Bùi T. Ánh Tuyết
Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Phú Ninh xin trân trọng kính chào và kính gửi lời chúc sức khoẻ, lời chúc tốt đẹp nhất đến quý khách (quý đoàn), chào mừng quý khách đã đến tham quan khu du lịch của chúng tôi.
Nơi mà chúng ta đang đứng là khu vực “Đồi Đá Đen”, thuộc dãy núi Tân Lợi nằm địa bàn xã Tam Đại, Phú Ninh (chỉ vào sa đồ). “Đồi Đá Đen” không có truyền thuyết hay giai thoại về địa danh, mà nó được gọi một cách mộc mạc, nôm na theo nghĩa đen. Bởi khu vực này địa tầng là đá đen và rất cứng. Tại đây, tháng 4 năm 1964, bộ đội ta, trung đoàn chủ lực 331-QK.V do ông Trần làm trưởng đoàn và ông Châu làm tham mưu đã đánh và diệt gọn 41 xe cơ giới của địch, trong đó có 2 xe bọc thép và nhiều vũ khí, khí tài… trải qua nhiều năm nên vết tích của các trận đánh trong chiến tranh không còn nhiều, hiện tại với sự tiếp quản của Công ty cổ phần đầu tư du lịch Hùng Cường chúng tôi sẽ xây dựng Khu vực đồi Đá Đen trở thành điểm du lịch hấp dẫn để quý khách tham quan khi đến với khu du lịch Phú Ninh, đó là những bungalow, các lều xanh di động, cùng những hàng ghế đá và các dịch vụ kèm theo… du khách có thể nhìn ngắm cảnh hồ và nghĩ dưỡng tại đây.
Tiếp theo đây xin mời quý khách chúng ta cùng đến với trung tâm của khu du lịch, bao gồm...
Mời khách tới la bàn
Kính thưa quý khách…
Phú Ninh là tên địa danh của một làng quê êm đềm bên đôi bờ sông Quán, sông Trường Cửu ngày xưa từ thời ông cha ta “Mang gươm đi mở cõi” về phương Nam khẩn hoang, lập ấp, tạo nên một vùng đất trù phú, thơ mộng và thanh bình. Nơi từng được mệnh danh “Vùng đất vàng” một thời lưu danh trong sử sách, núi non hùng vĩ, sơn thuỷ hữu tình, phong cảnh kỳ thú, núi rừng chiếm 90% diện tích, là vùng chuyển tiếp bởi các dãy núi cao Ngọc Linh, Trà Bồng, Trà Liên ở phía nam trong dãy Trường Sơn hùng vĩ ăn lan ra tận biển Đông.
Phía bắc được bao bọc bởi tuyến đường bê tông liên huyện trên bờ đập Long Sơn, đập Dương Lâm và các dãy núi Dương Mốc, Chóp Chài, núi Móp, núi Vàng (xã Tam Đại). Phía tây tiếp giáp với tuyến đường giao thông nối liền xã Tam Dân với xã Tam Lãnh và các dãy núi Dương Huê, Nỗng Phương. Phía đông tiếp giáp với núi Đá Đen, núi Cóc, núi Tân Lợi (xã Tam Đại - Phú Ninh) và một phần thuộc các xã Bích Ngô, Thạch Kiều, Phú Tân thời thuộc Pháp (nay thuộc xã Tam Xuân và Tam Thạnh huyện Núi Thành) là cửa ngõ để đi đến xứ sở vàng “Bồng Miêu”.
Thời thuộc Pháp vùng lòng hồ Phú Ninh là đất thuộc các xã Phú Ninh, Long Sơn, Ngọc Anh, Ngọc Nha, Đương Quế, Trường Cửu, Phước Lợi, Phú Đức, Quý Đức, Đức An, Phú Thành, Đồng Bằng, một phần của xã Thạnh Xương và Đức Phú thuộc các tổng Phước Lợi, Vinh Quý, Đức Tân, Chiên Đàn, huyện Hà Đông rồi Phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (có một thời gian ngắn, thời Tây Sơn, đầu thời Nguyễn, nằm trong “Nội thuộc Kim hộ” nơi có nhiều hộ dân làm nghề khai thác vàng). Sau 1945 thuộc vùng lòng hồ thuộc các xã Kỳ Long, Kỳ Nghĩa, Kỳ Quế, Kỳ Sơn, Kỳ Yên, Kỳ Trà huyện Tam Kỳ, từ 1954 đến 1975 thuộc các xã của huyện Bắc Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Trước năm 2005, Hồ Phú Ninh được bao bọc bởi các xã Tam Ngọc, Tam Thái, Tam Dân, Tam Lãnh (thị xã Tam Kỳ); một phần nhỏ ở phía đông thuộc xã Tam Sơn, Tam Thạnh (huyện Núi Thành).
Hiện nay Hồ Phú Ninh thuộc địa phận hành chính xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Là công trình thuỷ lợi lớn nhất miền Trung, nhưng ý nghĩa hơn tất cả là tâm sức quân, dân một thời gắn bó nơi này. Chính vì điều đó, để khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ được tiếp cận và tìm hiểu Hồ Phú Ninh các tuyến đường giao thông đã được xây dựng.
Cách trung tâm thành phố Tam Kỳ 7 km, có nhiều đường để đi đến hồ Phú Ninh, khu di tích. Đường đi chính từ trung tâm tỉnh lỵ theo đường Trần Cao Vân đi đến ngã ba Trường Xuân (02 km), tiếp tục đi thẳng khoảng (5 km) là đến địa điểm khởi đầu của di tích Lịch sử - Danh thắng Hồ Phú Ninh.
Kính thưa quý đoàn…
Trải qua bao thăng trầm biến thiên phân kỳ của lịch sử, lúc nhập lại, lúc tách ra, vùng lòng hồ Phú Ninh với địa hình, địa mạo và địa thế phức tạp, phong phú về tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản, cư dân đông đúc nên từng là nơi từng giao tranh của các thế lực phong kiến, thực dân, đế quốc để tranh giành quyền làm chủ vùng đất giàu có về tài nguyên này. Hơn 600 năm trước, người Chăm Pa đã bắt đầu tiến hành thăm dò và khai thác vàng tại các sông, suối trong vùng. Thời nhà Nguyễn, chính quyền đương triều đã đặt một “Sở lọc vàng” tại xã Phước Lợi để thuận lợi cho việc khai thác vàng ở Bồng miêu. Thời bấy giờ, nghề khai thác vàng phụ thuộc vào vận may rủi lúc được, lúc không, vào thời Minh Mạng, có năm dân xã Phú Ninh không nộp đủ thuế vàng cho triều đình, chính quyền phong kiến ra lệnh xoá bỏ tên xã, sáp nhập xã Phú Ninh vào các xã khác. Các chức sắc, chức dịch trong xã đề đơn ra tận triều đình Huế mới được xem xét lại.
Từ những năm cuối thế kỷ 19, khi chế độ phong kiến triều Nguyễn bước vào giai đoạn suy tàn. Năm 1858, Pháp xâm lược Việt Nam và tiến hành thăm dò trữ lượng và khai thác vàng Bồng miêu và các vùng núi lân cận trong vùng. Với chính sách khai thác thuộc địa một cách kiệt quệ, chúng sử dụng công cụ và phương thức khai thác tàn bạo, dã man, bắt nhân dân trong vùng làm culi, khổ sai bằng nhiều thủ đoạn bóc lột sức người, sức của để làm giàu cho chính quốc, người Pháp bắt nhân dân trong vùng xẻ núi, phá rừng, đắp đường vận chuyển vàng từ Bồng Miêu đi Tam Kỳ, (ngày nay con đường này nằm dưới lòng hồ Phú Ninh) làm lòng dân than oán:
Từ ngày Tây lại cửa Hàn
Đào sông Câu Nhí bòn vàng Bồng Miêu
Dặn lòng em ai dỗ đừng xiêu
Gắng nuôi phụ mẫu sớm chiều có qua...
Với vị trí địa lý và địa thế thiên nhiên khá phức tạp, phong phú đa dạng như vậy nên người dân trong vùng một nắng hai sương, chất phát, chí thú làm ăn, có truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần tự tôn dân tộc được đúc kết từ ngàn đời qua các thời kỳ lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. “Tức nước vỡ bờ” không chịu nổi cảnh áp bức bóc lột của thực dân và tay sai, ngày 30/3/1908 nhân sự kiện tên đề đốc Trần Tuệ và tri phủ Tam Kỳ Tạ Thúc Xuyên, tay sai đắc lực của thực dân Pháp bắt nhân dân đi làm culi khổ sai đắp đường vận chuyển vàng từ Bồng Miêu đi Tam Kỳ, nhân dân Phú Ninh đứng lên đấu tranh khởi nghĩa chống thực dân pháp và tay sai, đứng đầu là cụ Trần Thuyết (thường gọi là Trùm Thuyết) người làng Phước Lợi, thuộc tổng Phước Lợi, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Quân khởi nghĩa kéo xuống bao vây đồn Đại Lý và Phủ đường Tam kỳ bắt tên đề đốc Trần Tuệ phải đền tội. Năm 1917, nhân dân trong vùng kết hợp với công nhân mỏ vàng Bồng Miêu đứng lên đấu tranh chống địch khủng bố, đòi tăng lương phụ cấp cho công nhân mỏ gây cho thực dân Pháp phải khó khăn vất vả đối phó với nhiều phong trào đấu tranh nổi lên mạnh mẽ.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân vùng lòng hồ Phú Ninh một lòng, một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ đánh đuổi kẻ thù cướp nước và bán nước giành độc lập cho dân tộc. Vì vậy, qua hai cuộc chiến tranh với địa thế rừng rậm, nhiều hang động sâu trong lòng núi với những vách đá cheo leo và lòng quả cảm, người dân trong vùng đã giành từng hạt muối, củ khoai và hàng vạn ngày công lao động, xây dựng nhiều hệ thống địa đạo chằng chịt ăn sâu trong lòng đất mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị như địa đạo Gò Quạnh, địa đạo Vườn Dãy (thôn Long Sơn, sát bờ hồ Phú Ninh) huy động hàng ngàn thanh niên ra trận, trong chiến thắng của những năm kháng chiến chống Pháp, Mỹ gian khổ của Khu V kiên cường có nhiều giọt mồ hôi lặng lẽ của người dân vùng lòng hồ Phú Ninh. Chính vì thế, nơi đây từng là căn cứ địa vững chắc của cách mạng, các cơ quan của Khu uỷ khu V; Tỉnh uỷ Quảng Nam, Huyện uỷ Bắc Tam Kỳ và các sư đoàn chủ lực quân giải phóng đều được trú ẩn và đứng chân tại đây để đi làm nhiệm vụ ở các mặt trận đồng bằng duyên hải, Bắc Tây Nguyên, Hạ Lào và Đông - Bắc Campuchia. Sau năm 1954, đất nước tạm thời chia hai miền Nam – Bắc. Đế quốc Mỹ đưa Ngô Đình Diệm từ Mỹ trở về dựng lên chính quyền tay sai ở miền Nam. Bọn Mỹ-Diệm cấu kết với Quốc dân đảng để khủng bố, đàn áp nhân dân, những người yêu nước, thủ tiêu cán bộ. Chúng dùng luật 10/59 mở các chiến dịch “tố Cộng” “diệt Cộng” để tàn sát nhân dân ta, không khí khủng bố chết chóc bao trùm các nông thôn và nhân dân vùng lòng hồ Phú Ninh cũng chìm đắm trong nỗi đau uất hận ấy. Nhưng dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng và mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam, nhân dân trong vùng “sẵn sàng hy sinh tất cả”, đứng lên chống kẻ thù bán nước và cướp nước. Các tổ chức Đảng ở lại bám dân để xây dựng lại lực lượng cách mạng kháng chiến ở Kỳ Bích, Kỳ Long, Kỳ Tân, Kỳ Sơn, Kỳ Quế, Kỳ Trà với phương châm “một tất không đi, một ly không rời”, địch càng điên cuồng càng tàn sát, các cơ sở cách mạng tại đây càng bám đất, bám dân để lãnh đạo nhân dân chiến đấu trong lòng địch, ta xây dựng căn cứ địa cách mạng tại Hố ông Được (Long Sơn), Hang Dơi (Kỳ Quế) tổ chức bố phòng chống địch dài hàng chục km có hào giao thông, bãi chông, mìn đánh địch kiên cường giữ từng tất đất quê hương, với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Suốt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ, mảnh đất nơi đây là trận địa, có thể nói không một cánh đồng nào đang sinh sôi mùa vụ hôm nay lại không từng ghi dấu những chiến công một thời đã đi vào sử sách với những chiến công vang dội như chiến thắng Chóp Chài, Núi Thành, Đồi Ông Sơ, Đèo Tư Yên… là địa phương bắt sống tên lính Mỹ đầu tiên đầu tiên của Quảng Nam tại đèo Hố Ngãi, xã Kỳ Quế. Với núi rừng hiểm trở là nơi lý tưởng cho quân giải phóng, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích làm nơi đứng chân tập kết, trú quân, ém quân, chứa lương thực, vũ khí, quân trang quân dụng, làm nơi để trao trả tù binh giữa quân giải phóng với địch tại Gành Gấu (Kỳ Quế - năm 1967), chuẩn bị lực lượng đánh tận vào đầu não của địch với những trận đánh lớn tiêu biểu như chiến thắng đèo Xoài, Núi Thành, tấn công cao điểm Chóp Chài, Dương Huê, Nỗng Phương, chặn đánh đoàn xen quân sự địch trên đèo Tư Yên, phối hợp với các lực lượng chủ lực tập kết lực lượng tấn công vào nội ô thị xã Tam Kỳ Xuân Mậu Thân 1968. Đặt biệt với cuộc tổng tiến công và nổi dậy tiến vào thị xã Tam Kỳ cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Hai lần hi sinh vì nước…
Sau ngày giải phóng đất nước, non sông hoà về một mối quê hương thanh bình nhưng hậu quả vết thương chiến tranh để lại vô cùng nặng nề, nhà cửa bị tàn phá, đất đai bị bom đạn cày xới, nổi đau chiến tranh chưa nguôi trên mảnh ruộng cày, người dân li tán từ khắp nơi bắt đầu trở về xây dựng cuộc sống mới trên quê hương. Trong điều kiện kinh tế khó khăn nhất là nguồn nước tưới, gặp thêm nắng hạn khô nẻ. Từ xưa các huyện phía Nam của tỉnh nhà là vùng đất khắc nghiệt, hạn hán, đất đai phong hoá trở nên bạc màu, đất pha cát chiếm tỷ lệ lớn, lại thêm vào mùa hạ gió Lào (gió Nam) thổi qua gây ảnh hưởng ruộng đồng càng thêm khô héo, cạn kiệt nguồn nước. Những cánh đồng nhỏ hẹp trong vùng chỉ trồng được những giống lúa chịu hạn cao (lúa đồi) thường cho năng suất thấp, người nông dân qua bao đời phải chắc chiu từng giọt nước, vào mùa lũ nước từ các vùng núi cao tràn về đồng bằng rất nhanh thường gây ra lũ lụt (thời chiến tranh chỉ có ít nhà, còn lại là đại bộ phận dân cư trong vùng trong nhà dầu không đủ thắp sáng, dùng cơm độn sắn, khoai, hột mít, chỉ có ngày giỗ kị mới có bát cơm trắng). Đất khô người đứng chau mày, sông dài thì nước chảy, nhưng đất đai lại cằn cỗi. Chính vì sự khan hiếm nguồn nước tưới gây cho nhân dân và nhất là người nông dân tỉnh nhà gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Vì vậy các ngành, các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương chỉ đạo phải bắt tay vào cải tạo vùng đất phía tây Quảng Nam thành một hồ chứa nước để tưới cho các đồng ruộng phía Nam của tỉnh nhà là điều kiện tiên quyết và bức thiết nhất. Dự án xây dựng công trình Đại thủy nông Phú Ninh lập tức được các cơ quan nghiên cứu khoa học bắt tay vào cuộc.
Sau ngày giải phóng, Đảng bộ và người dân Phú Ninh nói riêng, nhân dân Quảng Nam - Đà nẵng nói chung bước vào mặt trận chiến đấu mới, chiến đấu trên mặt trận xây dựng và phát triển kinh tế xã hội. Sau 25 năm đồng chí Hồ Nghinh lại dẫn đoàn quân giải phóng tiến vào phá núi xây đập Phú Ninh với lời thề: “Người nào không hoàn thành nhiệm vụ chết không nhắm mắt...”. Với lề thề son sắc thể hiện tinh thần, ý chí sức mạnh của Đảng bộ, nhân dân Quảng Nam – Đà Nẵng, qua hai năm nghiên cứu khảo sát thiết kế, được Chính phủ phê duyệt dự án và cho phép khởi công, với đội ngũ cán bộ khoa học từ Trung ương, Viện đo đạt địa chất Bộ Thủy Lợi và Công ty Xây Lắp 3 chuẩn bị chu đáo cho một công trình tầm cỡ quốc gia, 16.000 đồng bào bám trụ kiên cường trong chiến tranh, sinh sống lâu đời tại nơi đây vì tương lai quê hương vì cuộc sống ấm no hạnh phúc sau này, “một lần nữa hi sinh vì nước” rời mảnh ruộng, nếp nhà, vườn tược, xóm thôn sẵn sàng nhường chỗ cho công trình xây dựng lòng hồ.
Với tinh thần làm việc khẩn trương của nhân dân toàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng khăn đùm, tay nãi tiến lên xẻ núi làm thủy lợi và thủy điện. Suốt 9 năm “bao cấp” bằng sắn lát, bo bo, chính bàn tay và khối óc con người đã làm nên một công trình đẹp hơn tranh vẽ và đem lại cuộc sống ấm no cho hơn nửa số dân trong tỉnh. Ngày 29/3/1979 công trình đã hoàn thành công việc chặn dòng sông Tam Kỳ. Ngày 8/7/1979 nước Hồ Phú Ninh đã qua phần đầu kênh Bắc về đồng ruộng tưới tiêu cho các đồng bằng Tam Kỳ - Núi Thành. Ngày 20/10/1979, nước qua phần kênh kéo dài chảy về địa phận Kế Xuyên - Thăng Bình mở rộng diện tích tưới tiêu cho toàn bộ vùng đông Quế Sơn và một phần phía nam huyện Duy Xuyên. Ngày 30/12/1985 toàn bộ hệ thống kênh mương Phú Ninh căn bản đã hoàn thành. Qua 2 năm nghiên cứu và 9 năm xây dựng với khối lượng lao động được huy động toàn bộ, nhất là Đảng bộ quân và dân thị xã Tam Kỳ - Phú Ninh, các huyện bạn trong tỉnh và các lưu học sinh quốc tế đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu và của cải để cho công trình được hoàn thành. Sau ngày quê hương giải phóng, Đảng bộ, quân và dân Tam Kỳ tiếp tục bước vào mặt trận chiến đấu mới cũng đầy gian khổ, thử thách “mặt trận phát triển kinh tế XHCN” Công trình Đại thuỷ nông Phú Ninh được khởi công xây dựng. Qua chừng ấy năm, với bao mồ hôi, xương máu và của cải của nhân dân tỉnh nhà, biết bao nhiêu lớp thanh niên trai trẻ và giàu tâm huyết, lòng yêu đời, yêu quê hương đã công hiến hết sinh lực, trí tuệ để có được màu xanh huyền thoại hôm nay, hoàn thành một công trình thế kỷ nhằm phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Ngoài việc cung cấp điện, nước cho nhân dân và tưới tiêu cho những cánh đồng bát ngát màu xanh trên quê hương, cải tạo môi trường bên cạnh đó còn điều tiết những cơn lũ hàng năm hạn chế ngập lụt vùng đồng bằng.
Ngày 29/3/1977 nhân kỷ niệm hai năm ngày giải phóng quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng. Trước sự chứng kiến của các đồng chí lãnh đạo Trung ương, Bộ Thuỷ Lợi, Bí thư Tỉnh uỷ QN- ĐN Hồ Nghinh, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Minh Thắng cùng đông đảo nhân dân tỉnh nhà, đồng chí Đỗ Thế Chấp – Bí thư Huyện uỷ Tam Kỳ phát biểu chính thức khởi công xây dựng công trình đại thuỷ nông Phú Ninh nhằm thay đổi ước mơ ngàn đời của nhân dân tỉnh nhà có nước “Dẫn thuỷ nhập điền” không những góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân, mà còn có giá trị cả về Văn hoá – Xã hội của tỉnh nhà.
Trong ngày lễ khánh thành công trình đại thuỷ nông Phú Ninh 26/3/1986 đồng chí Phạm Đức Nam - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu: “Ước mơ ngàn đời của người dân các huyện phía Nam của tỉnh nhà đã trở thành hiện thực…”.
Đã nghe nước chảy lên non
Đã nghe đất chuyển thanh con sông dài…
Hồ Phú Ninh là một công trình Đại thủy nông rộng lớn nhất miền Trung được xây dựng sau ngày quê hương được giải phóng, với bàn tay và khối óc con người đã tạo nên một Hạ Long thu nhỏ giữa đồng bằng trung du Quảng Nam và đẹp hơn một bức tranh vẽ. Từ khi hồ Phú Ninh được xây dựng, với người dân Tam Kỳ - Phú Ninh, nước đã tưới cho 7.184 ha đồng ruộng vốn lâu đời nhờ vào nước trời, đưa hàng nghìn ha đồng ruộng sản xuất 1 vụ sang 2–3 vụ/ năm, tổng sản lượng lương thực tăng hơn hai lần so với năm 1975, bình quân lương thực đầu người 100kg/năm (1975) thì nay xấp xỉ 400kg/1người/năm, nâng cao năng suất cho đồng lúa Tam Kỳ - Phú Ninh - Thăng Bình từ 14800 tấn lên 45000 tấn. Lương thực thực phẩm ngày càng ổn định, hộ đói nghèo mỗi năm một giảm, đời sống người nông dân trở nên sung túc khá giả.
Với tổng diện tích 23.490 ha, địa điểm khởi đầu di tích là đập Tư Yên (ở phía bắc), bên dưới bờ đập 30 mét là nhà máy Thủy điện Phú Ninh công suất 2000 kwh gồm 02 tổ máy hoạt động, trước kia nguồn điện này phục vụ cho thị xã Tam Kỳ và các vùng lân cận, nay đã hòa vào mạng lưới điện Quốc gia. Đập Tư Yên cũng chính là điểm khởi đầu của hệ thống kênh chính Bắc Phú Ninh có chiều dài 51 km, điểm cuối là địa phận huyện Quế Sơn. Từ hệ thống kênh chính Bắc Phú Ninh chia ra các hệ thống kênh cấp 1; cấp 2; cấp 3 để đưa nước về đồng ruộng tưới cho những cánh đồng Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ và Phú Ninh. Hệ thống kênh chính Nam dài 8 km tưới cho đồng bằng phía nam và vùng đông thuộc huyện Núi Thành. Đi về tay phải là tuyến đường bê tông bao quanh lòng hồ tiếp giáp với đập Long Sơn (khoảng 10 km), đi tiếp 5 km là đến đập Dương Lâm, tiếp nối với tuyến giao thông Tam Dân - Tam Lãnh 20 km bao bọc hồ Phú Ninh về hướng bắc và hướng tây; tây – nam. Bên trái Đập Tư Yên là tuyến giao thông men theo triền núi đi vào khu du lịch Đồng Vòng, Đá Đen. Từ đây men theo bờ hồ đi xuôi về hướng đông; đông - nam sẽ gặp tuyến đê bao đập chính. Nước hồ Phú Ninh theo dòng sông Tam Kỳ đổ về đồng bằng qua một hệ thống vỏ khảo chắn nước mùa hè và xả nước khi mùa mưa để điều hoà lượng nước trong hồ. Từ đây tuyến kênh chính nam dẫn nước xuôi về tưới cho các đồng ruộng vùng đông và nam huyện Núi Thành. Các triền núi bao quanh lòng hồ là hệ thống rừng trồng tái sinh với các loại cây lâm nghiệp như thông Caribe, keo lá tràm, bạch đàn… Đặc biệt khu vực triền núi tại các tuyến giao thông Tư Yên - Long Sơn; Tam Dân - Tam Lãnh là hệ thống rừng nguyên sinh nhiệt đới với nhiều thảm thực vật phong phú, được quản lý bảo vệ nghiêm ngặt, ít chịu tác động của con người vào khai thác, đảm bảo giữ ổn định cho lượng nước đầu nguồn.
Công trình xây dựng: Đập chính dài 620 m, chiều cao lớn nhất 40 m, cao trình đỉnh đập 37,4 m, cao trình tường chắn sóng 38,6 m. đập phụ dài 3000 m, cao trung bình 17 m. Đập tràn: tràn tự do có cao trình ngưỡng 32,0 m. Rộng B = 37,8 m. Tràn sâu, cao trình ngưỡng 26,0 m. Rộng B = 20,0 m. Tràn sự cố: cao trình đỉnh 35,4 m; dài: L = 200 m, cửa 2 x 10 m, tràn tự do rộng 40 m. Đập Tư Yên dài 112 m, cao16 m, cao trình đỉnh 38 m. Đập phụ Dương Lâm dài 1100 m, cao 10,5 m, cao trình đỉnh 37,4 m. Đập phụ Long Sơn I dài 260 m, cao trình đỉnh 37,4 m. Đập phụ Long Sơn II dài 940 m, cao trình đỉnh 37,4 m. 200 công trình trên kênh chính. 1.200 công trình trên kênh cấp 1 trở xuống. 12 hạng mục công trình đầu mối (có cả phần thuỷ công nhà máy thuỷ điện).
Khối lượng thực hiện: Đất 15.700.000m3 đào đắp đất đá, trong đó có 1.300.000 m3 do nhân dân tự làm và 9.400.000 m3 do địa phương thực hiện. 139.000 m3 đá xây (trong đó lực lượng địa phương 129.000 m3). 120.500 m3 đá lác (trong đó lực lượng địa phương làm 45.000 m3). 65.300 m3 bê tông các loại (trong đó địa phương làm 38.000 m3)
Kinh phí thực hiện: 282.000.000 đồng theo giá thời điểm năm 1982. Trong đó 220.00.000 do nhân dân địa phương đóng góp.
Hệ thống kênh mương các cấp: kênh chính, kênh cấp I-II-III. Kênh chính dài 51,89 km, kênh cấp I dài 183,2km, kênh cấp II-III dài 244,2 km, có 1600 công trình trên kênh, cầu cống 239 công trình, cống tiêu 374 công trình, bậc nước 143 công trình, cầu cống 239 công trình, 12 trạm bơm.
Thông số kỹ thuật hồ chứa: Mực nước dân trung bình 32m, mực nước chết 90,44m, dung tích hồ 344.000.000 m3, dung tích phòng lũ 117.500.000 m3.
Ngày nay hồ Phú Ninh là niềm kiêu hãnh của lòng người Quảng Nam, không những nơi đây phong cảnh thơ mộng “sơn thuỷ hữu tình” mà còn là lá phổi sống của tỉnh Quảng Nam, với những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn bao la xanh ngắt một màu.
Khu vực lòng hồ với hơn 30 đảo nổi lớn nhỏ (trước khi ngập nước đây là những ngọn núi lớn trong vùng), những đảo lớn như đảo Ông Sơ, đảo 61, đảo su, đảo khỉ, đảo rùa, đảo ông Châu, với nhiều tuyến du lịch mà các bạn sẽ được khám khám phá ngay bây giờ, như tuyến tham quan du lịch câu cá Hố Khế, lăng ông Nghè, nghĩ dưỡng, khu cắm trại dã ngoại, khu leo núi, khu tham quan động vật đảo khỉ, chùa Yên Sơn, suối nước nóng vv...
Xung quanh hồ, trên đảo là hệ thống rừng phòng hộ bao la, xanh ngắt với nhiều loại hình nguyên sinh, tái sinh tự nhiên, thảm thực vật nhiều tầng, thực vật đa dạng gồm 261 loài thuộc 438 chi họ khác nhau nhiều loại gỗ quý như: Lim, Trắc, Đinh, 170 loài cây dược liệu như Ngũ Gia Bì, Mã tiền, Cam thảo, Hương nhu, Hoàng đằng. Động vật phong phú gồm 80 loài chim, 34 loài thú, 26 loài bò sát nhiều động vật quý hiếm như Khỉ mặt đỏ, Sói đỏ, Gấu ngựa, Sơn dương, Khứu đầu trắng…
Mời quý khách đi tham quan.
Điểm đầu tiên mà chúng ta sẽ tới đó là đảo Rùa (hay núi Rùa), còn gọi là đảo khỉ. Được gọi như vậy bởi thứ nhất: khi mực nước ngập chúng ta từ trên cao nhìn xuống sẽ thấy hình thù đảo này giống như một con rùa, đuôi của nó hướng về phía đông bắc, đâu thò đầu ra hướng tây nam. Trước đây và bây giờ đảo này có rất nhiều khỉ sống trên đảo này nên nó cũng được gọi là đảo khỉ. Khu vực này giờ đây có khoảng trên 200 con khỉ các loại, bên cạnh còn có một số loài bò sát và chắc chắn là rất nhiều thực vật quý hiếm.
Nhìn bên phải (bên trái) của chúng ta là đảo bạch đàn…
Đảo mà chúng ta nhìn thấy trước mắt là đảo 61…
Đảo mà chúng ta sẽ được dừng chân ở đây là đảo su, đảo su là đảo có…
Mỏ nước khoáng…
Một lần nữa xin được gửi lời chúc sức khoẻ và kính chúc quý khách một chuyến tham quan đầy thú vị.

Thuyết minh một số điểm trên đường đi: Các điểm đảo trong khu vực Hồ Phú Ninh, có những điểm đảo cái tên gọi gắn liền với những mốc lịch sử, những sự tích xưa thì cũng có những điểm đảo chỉ đơn thuần tên gọi với đặc trưng riêng của đảo đó nên thường rất dễ hiểu.
1. NHÀ MÁY THUỶ ĐIỆN:
Tháng 6/2009, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã ký Quyết định công nhận hồ Phú Ninh thuộc huyện Phú Ninh (Quảng Nam) là “Di tích quốc gia - Danh lam thắng cảnh”.
Nhà máy thủy điện Phú Ninh được đưa vào vận hành ngày 03/05/1984 với 2 tổ máy công suất 2 x 0,8 MW do trong nước chế tạo và trạm nâng 2 MBA 1000kVA - 6/22kV. Thủy điện Phú Ninh được nhận nước từ Cống Bắc hồ thủy lợi Phú Ninh phục vụ công tác tưới tiêu cho khu vực phía bắc tỉnh Quảng Nam (kết hợp công tác phát điện).
Từ tháng 10/2010, Trạm thủy điện Phú Ninh được Công ty Điện lực Quảng nam bàn giao cho Công ty Lưới điện cao thế miền Trung (CGC) quản lý vận hành. Trong thời gian vận hành thuỷ điện, cán bộ công nhân viên thủy điện Phú Ninh không ngừng tích cực bảo dưỡng, sửa chữa cải tạo lại hệ thống máy phát trong lúc ngừng cấp nước tưới tiêu. Từ tháng 2 đến tháng 4/2011 Nhà máy đã phát được hơn 1,6 triệu kWh đạt 64% kế hoạch năm 2011.
Trạm thủy điện Phú Ninh đã tổ chức lễ kỷ niệm 27 năm ngày thành lập (03/5/1984 - 03/5/2011). Thủy điện Phú Ninh là niềm tự hào lớn lao của mỗi CBCNV đã và đang công tác tại nhà máy. Trải qua 27 năm xây dựng và phát triển, nhà máy đã đóng góp hàng triệu kWh điện cho lưới điện quốc gia và phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương của tỉnh Quảng Nam. Những năm 80 của thế kỷ trước, thời kỳ điện phát chủ yếu từ những cỗ máy diesel cũ kỹ, chạy hàng tháng trời không được nghỉ, cả nước thiếu điện triền miên. Năm 1984 thuỷ điện Phú Ninh ra đời, đó là những tổ máy thủy điện đầu tiên của Nhà máy công cụ số 1, là sản phẩm chế tạo đầu tiên trong nước. Thủy điện Phú Ninh ra đời đưa Tam Kỳ thành một trong những thị xã trong nước thời bấy giờ có mật độ số hộ sử dụng điện cao nhất. Nhà máy một thời là điểm sáng của nền công nghiệp điện, vinh dự được sự quan tâm của các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm hỏi, động viên.
Thủy điện Phú Ninh đã vượt qua muôn ngàn gian khó. Ngày ấy, đường lên Phú Ninh là hàng chục cây số đường đất lầy lội, vắng vẻ, nhà máy đứng chơ vơ ở lưng đập, chung quanh là lau sậy mọc chen với đá. Cán bộ công nhân viên đa số là bộ đội phục viên mới qua đào tạo ngắn ngày. Họ đã vượt qua những ca trực căng thẳng bên những tổ máy chạy chưa ổn định, họ vật lộn với sự cố, thuần phục được những cỗ máy vốn là sản phẩm lần đầu chế tạo của ngành Công nghiệp Việt Nam. Chất lính năm xưa vẫn còn đây, những người công nhân Phú Ninh đã hình thành nên một đội ngũ kiên cường, không ngại gian khổ, hết lòng hết sức bám máy, giữ nguồn vì dòng điện.
Đến Phú Ninh chúng ta có dịp ghé vào phòng Truyền thống của nhà máy, xem những hiện vật, những nét chữ, những tranh ảnh chỉ có hai màu đen trắng ngày xưa, thật giản dị nhưng phản ánh trung thực những năm tháng gian lao mà thấm được nghĩa tình, thành quả có được qua 27 năm xây dựng cho đến hôm nay. Đó là sự kết tinh của trí tuệ, lòng quả cảm và tình yêu của biết bao thế hệ CBCNV có công với nhà máy. Những người công nhân cảm nhận được sự thiêng liêng của quá khứ, trân trọng gìn giữ những kỷ vật của một thời.Từ thuỷ điện Phú Ninh, biết bao cán bộ công nhân viên đã trưởng thành trên nhiều vị trí công tác khác nhau. Phú Ninh đã đón, đưa bao đoàn công nhân, kỹ sư đến thực tập, nghiên cứu. Phú Ninh đã thành điểm dừng chân lý thú của du khách trên hành trình du lịch sinh thái hồ Phú Ninh.
Phú Ninh không chỉ hấp dẫn đối với khách xa mà mãi còn là điều suy ngẫm của những người đã một thời gắn bó, có cái gì thôi thúc, động viên mỗi người phải sống đẹp và làm việc hết mình cho quê hương, đất nước. Nó góp phần tạo nên sức mạnh và niềm tin để mỗi người tiếp tục phấn đấu trong những nhiệm vụ mới của mình; để những người công nhân đang từng ngày gắn bó với Phú Ninh tiếp tục xây dựng và phát triển Thủy điện Phú Ninh xứng đáng với truyền thống bao thế hệ đi trước đã dày công xây dựng.
Quảng Nam là vùng đất có tiềm năng thuỷ điện lớn của đất nước, ngày nay, những công trình thuỷ điện A Vương, Sông Tranh, Za Hưng, Sông Kôn đã lần lượt được triển khai xây dựng và đưa vào vận hành. Thuỷ điện Phú Ninh tuy rất bé về công suất, nhưng đất nước đang thiếu điện, mãi cần điện, Phú Ninh vẫn đều đặn đưa từng kWh lên lưới. Mỗi năm trôi qua nhà máy lại đạt được một sự tiến bộ mới. Thủy điện Phú Ninh luôn tràn đầy sức sống, tự làm mới mình mỗi ngày, khẳng định mình trên mỗi chặng đường mới bằng chính nét nhân văn truyền thống của đơn vị
2. MỎ NƯỚC KHOÁNG:
Đặc biệt tại lòng hồ Phú Ninh còn có mỏ nước khoáng tự nhiên, phun trào dưới lòng đất, mỏ nước khoáng nóng tự nhiên với nhiều nguyên tố vi lượng có tác dụng chữa bệnh, kích thích tiêu hóa, sảng khoái tinh thần, giúp điều trị một số bệnh về cơ khớp, gan, mật và không thua bất kỳ loại nước khoáng nổi tiếng nào đang có mặt trên thị trường. Tại đây, có ống dây nối dài từ lòng đất lên khỏi mặt nước, ta có thể lấy nước khoáng nóng cho trứng gà vào, trứng chín mọng rất ngon bởi nhiệt độ của nước nóng lên đến 70- 80 độ, ngoài ra, chúng ta có thể lấy nước này về ngâm chân, rửa mặt, vì nước khoáng trị bệnh ngoài da rất hiệu quả, và có thể uống, khi uống vào giúp chúng ta ăn cơm rất ngon miệng,…
3. ĐẢO KHỈ:
Tên gọi đảo khỉ rất quên thuộc và dễ hiểu bởi trên đảo này loài Khỉ là chiếm số lượng nhiều nhất trong các đảo lớn nhỏ tại Hồ Phú Ninh. Và đảo Khỉ hay còn gọi là đảo Rùa, bởi hình dáng của đảo chúng ta có thể hình dung rất giống 1 con rùa, có đầu và than hình dọc theo rất đẹp và ấn tượng.
4. ĐẢO 61:
Sở dĩ có tên gọi là đảo 61 vì đảo này cao so với mực nước biển là 61m. Ngoài ra, nơi đây trước kia là căn cứ địa cách mạng đặt tên là điểm 61 nên giờ người ta gọi là đảo 61. Đây cũng là điểm câu cá Bống lý tưởng vào mùa hè. Trên đảo này có nhiều loại trái cây rừng như chôm chôm, xoài, mít nài… đặc biệt, trên những bậc thang đi lên trên đảo, hai bên có hang chè xanh, lá non mượt, lá chè xanh này nấu uống rất ngon và thơm, rất sinh thái.
5. ĐẢO BẠCH ĐÀN (ĐẢO CÓC):
Do đảo này có rất nhiều cây bạch đàn và đảo bạch đàn trông rất nhỏ nên người ta quen gọi đảo cóc.
6. ĐẢO SU: (SU ISLAND)
Là núi tự nhiên thuộc dãy núi Phước Lợi Ngọc Nha – Kỳ Quế, nằm dọc theo hai nhánh sông Mùi và sông Quán. Sau Đệ nhất thế chiến (khoảng 1920) người Pháp ngăn đắp 2 dòng sông này tạo ra kênh “Ba Kỳ” và đã trồng cây cao su tại vùng này. Năm 1972, nhân dân ta đã đắp đập tạo ra Hồ Phú Ninh sơn thủy hữu tình, rừng cây cao su cũng được lưu giữ nhưng sau ngày giải phóng thì đảo cũng còn rất nhiều cây cao su, sau thời gian dài thì cư dân nơi đây chặt phá một số cây bởi đơn giản họ ghét thực dân nên muốn xóa đi những gì của Pháp để lại. Trên đảo có những bóng cây rừng lâu năm nên rất mát, bàn ghế đá, những tượng hưu, nai, ngựa, cảnh đẹp rộng, thoáng mát rất thích hợp cho chuyến dã ngoại, picnic…
7. ĐỒI ÔNG SƠ:
Nghe truyền từ xa xưa thì đảo này lấy tên gọi của một người dân vùng đất này, Ông Sơ là tên riêng của một người nổi tiếng giàu có, có rất nhiều đất đai, trước đây đảo này và một số vùng lần cận đều là đất đai của Ông có tên là Sơ, nhưng sau này khi tiến hành xây dựng Hồ Phú Ninh nên đất đai của ông phân tán và người ta muốn nhớ đến Ông và đặt tên gọi là đảo Ông Sơ.
8. ĐẬP CHÍNH:
Là đại công trình thủy nông lớn nhất tỉnh Quảng Nam, đập chính được xây dựng bởi bàn tay, công sức của công nhân, nhân viên, công chức của Quảng Nam – Đà Nẵng củ, đập chính gắn liền với công trình đại thủy nông Phú Ninh, là nơi ngăn nước kiên cố cho Hồ. Đến đây quý khách có thể nhìn thấy được quy mô to lớn, thấy được công trình làm bằng sức người sức của của cha ông ta để lại, đồng thời, quý khách thấy rõ được tài năng với những công cụ thô sơ trước đây mà công trình rất kiên cô và vững chắc theo thời gian. (thông số công trình)
9. ĐẬP DƯƠNG LÂM:
Tọa lạc tại thôn Dương Lâm, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, là một trong những đập xả nước của Hồ Phú Ninh.
10. SÔNG BA KỲ:
“Tam Kỳ là vùng đất mới được khai lập từ đầu thế kỷ XV, dưới thời nhà Hồ. Nhưng nơi đây được xem là điểm nhấn lịch sử trong tiến trình mở đất của cha ông Đại Việt, trước khi mở rộng cương thổ về phương Nam. Nếu nhìn ở góc độ lịch sử thì cả vùng đất này đã có hơn 5 thế kỷ tồn tại; nhưng về địa lý hành chính thì Tam Kỳ mới được “chính danh” hơn 400 năm. Cái tên “Tam Kỳ” cũng được định vị theo hình sông thế núi của lưu dân ban đầu, nơi có ba gò đất cao cùng ngã ba sông. Nhìn từ ngoài biển vào sẽ thấy 3 gò đất cao nhô lên thành hình tam giác: núi An Hà, Quảng Phú và Trà Cai. Khi định vị từ 3 ngọn núi, thuyền sẽ vào cửa sông và gặp bến đò, nơi có ba ngả rẽ: sông Tam Kỳ, sông Trường Giang và sông Bàn Thạch. Tên “sông Ba Kỳ” được hiểu là nơi giao nhau giữa 3 con sông: sông Trường Giang, sông Bàn Thạnh và sông Tam Kỳ, hồi xưa bến sông tập trung buôn bán hàng hóa thông thương giữa 3 vùng miền và chủ yếu tập trung Bến Hồng Kiều (Duy Xuyên), bến Bàn Thạnh (Tam Kỳ), Thương cảng Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn. Cụm từ “đò ba bến” đã từng là bến thương thuyền sầm uất. Men theo dòng chảy của 3 con sông Trường Giang, Bàn Thạch, Tam Kỳ, sẽ nhận biết được những đặc trưng về vùng miền. Lâm thổ sản từ Trà My, Tiên Phước theo đường sông quy tụ về “Đò ba bến”, từ đây ghe thuyền theo dòng Trường Giang chuyển hàng hóa ra Cửa Đại - Hội An. Vì thế mà cho đến ngày nay nhiều dấu vết của “trường Tàu”, “phố Tàu” vẫn còn trên đoạn đường Duy Tân và Phan Đình Phùng (gần chợ tam kỳ). Ngoài ra, ta còn nghe tên” kênh Ba Kỳ” tức là dòng kênh dẫn nước về Tam Kỳ cung cấp nước tưới tiêu và nước uống cho người dân tam kỳ.
11. LĂNG ÔNG NGHÈ:
Chúng tôi cũng nghe người xưa kể lại rằng, ông Nghè là một người tài giỏi và rất giàu có, ông ta có một số của cải đáng nể, và sau khi ông mất đi bằng số của cải vốn có người ta đã làm cho ông một cái lăng rất lớn, quy mô nhất vùng, nhưng do vị trí của lăng nằm vùng trũng nên mùa mưa thì nước Hồ lên lăng đã bị ngập chúng ta không thể quan sát được và bởi ông là người giàu có, mà tục lệ xưa là người chết thường mang theo của cải nên người ta cho rằng dưới lăng mộ ông có chôn theo của cải nhiều nên không tránh được người gian đập phá lăng để lấy của cải, hiện tại lăng của ông chỉ còn vết tích chứ không còn như một cái lăng nguyên vẹn.
12. CHÙA YÊN SƠN:
Chùa Yên Sơn là một ngôi chùa nhỏ, nằm trên một hòn đảo không lớn lắm giữa hồ Phú Ninh. Chùa tọa lạc trên sườn dốc thuộc làng Bàu Tre, núi Rẫy Bông, xã Tam Sơn, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Tọa lạc trên rìa đảo nhỏ, không quá xa cách với những ngôi nhà xung quanh, nên sự bình yên là điều rất dễ nhận biết khi đến với chùa Yên Sơn. Tượng Bồ tát Quan Âm cao 12,5m đứng sừng sững, mặt hướng về phía hồ như muốn cứu vớt lấy những linh hồn khổ ải của kiếp trầm luân. Về bức tượng này cũng có nhiều điều đáng nói, bởi âu đó cũng là một cái duyên với chùa và nguyên phần khuôn mặt tượng Quan Âm là một tác phẩm tốt nghiệp của sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Huế, sau được thỉnh về nơi đây. Ban đầu các đạo hữu cũng như nhân dân nơi đây định đặt dáng tượng ngồi, nhưng bao nhiêu lần đặt lên khuôn mặt tượng Quan Âm đều đổ xuống. Chỉ đến khi tạo dáng tượng đứng mới thành công. Và đây cũng là khuôn mặt tượng Bồ tát Quan Âm đẹp nhất tại Quảng Nam. Bởi đó là khuôn mặt mang đậm vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, và có lẽ cũng phảng phất một nét nào đó của khuôn mặt phụ nữ Chăm.
Một điều đặc biệt nữa là chùa hiện chưa có trụ trì, cũng như không có các Tăng Ni, chỉ có một lương y, cư sĩ vốn là một thầy thuốc, một giáo viên nghỉ hưu ngày ngày đến làm thuốc, khám bệnh và hương khói trong chùa. Được biết, nguyên thủy chùa chỉ là một miếu nhỏ, có thờ tượng Phật. Năm 1966 bom Mỹ bắn phá ngôi miếu tan hoang hết, chỉ duy có tượng Phật là vẫn nguyên vẹn và nằm dưới lòng một hố bom. Qua thời gian vùi lấp, chỉ đến khi người dân lên đây làm rẫy mới phát hiện ra, rồi dựng lại tượng Phật. Thời kỳ ấy đời sống còn vô vàn khó khăn nên không ai dám nghĩ đến việc dựng chùa. Rồi một lần cũng thật tình cờ, mà đó cũng là duyên, khi ấy có một bức thư đi lạc đã đến nơi đây. Bức thư ấy vốn chuyển đến chùa Tiên Sơn, Bắc Ninh, run rủi thế nào lại đi lạc vào vùng Yên Sơn, một đạo hữu vô tình bóc ra xem mới biết đó là một bức thư của bà Vũ Thị Hiền, một đạo hữu có pháp danh Diệu Đức gửi về từ Canada muốn cúng dường một số tiền để giúp đỡ những ngôi chùa khó khăn tại Việt Nam. Lúc đó ông Giang Thành Tiến (1 đạo hữu của chùa) đã thay mặt các Phật tử chùa Yên Sơn gửi lại một bức thư khác đến địa chỉ trên tại Canada. Rồi một thời gian ngắn sau, với sự giúp đỡ rất nhiệt tình của bà Vũ Thị Hiền, chùa đã được dựng vào ngày 28 tháng 3 năm Ất Hợi (1995). Cũng từ đó, bà Diệu Đức cũng thường xuyên làm rất nhiều việc để đóng góp cho chùa.
Khi xây dựng chùa cũng vô cùng vất vả bởi cách trở sông nước, mọi vật liệu đều phải chở sang bằng đò, với sự đóng góp của rất nhiều thiện nam tín nữ, rất nhiều đạo hữu từ khắp nơi chùa mới được như ngày hôm nay.
Bây giờ, chùa Yên Sơn đã có một khung cảnh khác. “Yên Sơn” nghĩa là “khói núi”, là bình yên và thoát tục. Bước chân lên đò để đến đây là lòng người đã cởi bỏ hết những muộn phiền, mong đến sự thanh thản của cõi tâm diệu vợi. Khuôn viên chùa mát lành với những cây bồ đề, nơi những tượng Phật, tượng La hán ngồi xếp bằng trầm tư mặc tưởng, hướng tâm linh con người đến cõi niết bàn vô lượng.
Điều đặc biệt nữa ở đây là các tượng Phật, tượng La hán, tượng Tiên đồng đều đặt dưới những bóng cây, bởi khuôn viên điện thờ không quá rộng để đặt tượng. Cũng chính vì thế đã tạo nên một khuôn viên chùa vô cùng khác so với những chùa khác. Xa xa trên phía đỉnh đồi, tượng Dược Sư tĩnh lặng dưới bóng cây bồ đề. Nguyên gốc thân mình tượng Dược Sư vốn định để làm tượng Bồ tát Quan Âm ngồi nhưng không được. Dưới chân tòa sen là những thùng nước mà người dân quan vùng tin là nước lành để chữa bệnh, mọi người vẫn thường xin về dùng…
Đến với Phú Ninh quý khách có một ngày trải nghiệm nơi chốn cửa thiền, quý khách sẽ thấy lòng người như thanh tịnh hơn, những phiền lụy được tách bạch con người ra khỏi cuộc sống náo nhiệt đầy tiếng ồn bỏ lại bên kia bờ mà tận hưởng cái thanh bình.
13.HỐ KHẾ:
Như trên chúng tôi đã giới thiệu, hố khế là một trong những điểm đảo có tên gọi rất dễ hiểu là tại đây có rất nhiều cây khế rừng, hố có nhiều vách đá rất đẹp, nước trong veo có thể uống được, điều đặc biệt là khi lên trên “ hố Khế’ quý khách có thể tự tay bắt ốc đá, có thể tự tay chế biến món ăn, như cá nấu canh khế, rồi ốc xào, cá nướng…
14. HỐ BA TRĂNG:
“Ba trăng” ở đây có nghĩa là trước đây, khi chưa có nguồn nước tưới tiêu nhất định thì người dân chúng ta làm lúa 3 vụ , phụ thuộc vào nước trời là chủ yếu, trải qua 3 mùa trăng tròn thì thu hoặc nên có tên là “ba trăng – lúa 3 vụ, 3 mùa trăng”. Rộng hơn “hố Khế”, hố Ba trăng cũng có thác, có đá, ốc đá, có nhiều tán cây mát bên dưới là dòng nước trong xanh, mát rượi, hố ba trăng là điểm du lịch hấp dẫn, chúng ta có thể tổ chức cắm trại bay và thi các trò chơi cộng đồng.
15. HỐ NHĨ:
....
Mọi ý kiến đóng góp, bổ sung vui lòng liên hệ:
Phòng kinh doanh: Võ Văn Lân – 0974719122 hoặc 05103823823
Quay về Nghiệp vụ Du lịch
 


  • Bài Viết Liên Quan
    Trả lời
    Xem
    Bài viết sau cùng

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.1 khách.