Những món ăn đặc sắc. Không chỉ là cách chế biến mà còn những câu chuyện, những phong tục...
Hình đại diện của người dùng
gattravelvietnam
 
Bài viết: 9
Ngày tham gia: 28 Tháng 4 2011 21:19
Đến từ: 17 Hang Dong, Hoan Kiem, Ha Noi, Vietnam

Đặc sản Lào Cai

gửi bởi gattravelvietnam 25 Tháng 6 2011 09:41

Đặc sản Lào Cai - Mận Tam hoa Bắc Hà.

Đến Bắc Hà (Lào Cai) mùa này, du khách không chỉ ấn tượng về vẻ đẹp thiên nhiên mộc mạc nhưng lãng mạn, những phiên chợ vùng cao đơn sơ, bình dị nhưng thấm đẫm tình người nơi đây hay những sắc màu rực rỡ trên trang phục của các chị, các em người Hoa, H’Mông, Tày, Nùng..., mà còn có cảm giác rất thú vị, hào hứng khi có dịp hòa mình giữa rừng mận Tam hoa, tự tay hái rồi thưởng thức những trái mận thơm ngon, dày cùi, mọng nước…

Đặc sản mận Tam Hoa

Bắc Hà cách TP. Lào Cai 69 km. Mỗi ngày tại bến xe Lào Cai có ba chuyến vào lúc 6 giờ, 11 giờ và 13 giờ. Du khách cũng có thể đi tàu hỏa từ Hà Nội lên ga Phố Lu, bắt xe ôm hoặc xe khách khoảng 50km thì tới Bắc Hà, hoặc nếu đi từ Sa Pa, thuê xe Minsk đi 80km lên Bắc Hà mất khoảng 3 giờ.

Thành cổ Trung Đô, dinh Hoàng A Tưởng, khu du lịch cộng đồng xã Tà Chải, hang Tiên, núi Cô Tiên… và nhất là những rừng mận Tam hoa bắt đầu rộ chín từ cuối tháng Sáu là những điểm thú vị không nên bỏ qua khi ghé thăm Bắc Hà.

Những cây mận được trồng trên sườn đồi, vùng đồng bằng nằm giữa những ngọn núi và cả trong vườn nhà rộng vài mẫu với cả ngàn gốc cây lâu năm. Những du khách trẻ thích đi du lịch “phượt” để tự trải nghiệm cảm giác khám phá một vùng đất nguyên sơ cả con người lẫn cảnh vật, tự tay hái những trái mận đỏ mọng lúc lỉu treo trên cành và đặc biệt lại được mời những chén rượu ngô cháy cổ nhưng thơm nồng khi ghé thăm nhà người dân bản xứ.

Ngoài việc được thưởng thức những trái mận căng tròn, du khách còn có dịp thưởng thức món thắng cố ngựa hay các món ăn địa phương dân dã, nhắm với loại rượu ngô đặc sản Bản Phố của đồng bào H’Mông.

Tối đến, du khách có thể ở tại nhà dân với bốn điểm là Bản Phố, Tà Chải, Bảo Nhai, Na Hối. Giá dịch vụ của những nơi này cũng hết sức phải chăng, 50.000 đồng/đêm/khách, 80.000 đồng/bữa tối/khách.

Tổng chi phí cho một chuyến đi đậm chất tự do, phóng khoáng và ý nghĩa như vậy tốn khoảng 1,5-2 triệu đồng/3 ngày cho du khách khoác ba lô đi khám phá vùng cao nguyên trắng của sương và hoa mận...

Thương hiệu của Bắc Hà

Tạo hóa đã ban tặng cho “cao nguyên trắng” dưỡng chất đặc biệt để nuôi sống những gốc mận Tam hoa không đâu sánh bằng. Ý thức được điều này, lãnh đạo địa phương thời gian qua đã rất tích cực trong việc bảo vệ và nâng cao chất lượng cũng như thương hiệu cho mận Tam hoa Bắc Hà.

Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương mà Bắc Hà tuy vẫn còn là vùng đất hoang sơ nhưng đã và đang được đánh giá là mảnh đất có tiềm năng nhờ những sản vật, bản sắc độc đáo như: chợ Ngựa, chợ mận Tam hoa. Du khách đã đến với Bắc Hà, khi trở về, khó có thể quên cảm giác tuyệt vời về những chiều trên “cao nguyên trắng” vẳng nghe tiếng vó ngựa dồn và bóng các cô gái dân tộc thấp thoáng trong rừng mận giữa bảng lảng khói lam chiều...
Hình đại diện của người dùng
lalala1990
 
Bài viết: 126
Ngày tham gia: 21 Tháng 6 2012 15:47

Hương vị bánh chưng đen của người Nùng ở Si Ma Cai – Lào Cai

gửi bởi lalala1990 21 Tháng 6 2012 19:06

Đặc sản Lào Cai - Bánh chưng đen của người Nùng ở Si Ma Cai – Lào Cai.

Hình ảnh chiếc bánh chưng xanh trong dịp Tết Nguyên đán đã quá quen thuộc đối với mỗi chúng ta. Thế nhưng, trên vùng cao Si Ma Cai trong dịp tết không chỉ có bánh chưng xanh mà còn có một loại bánh chưng từ hình thức đến hương vị đều rất độc đáo do bàn tay người Nùng làm ra từ nhiều đời nay: chiếc bánh chưng đen.
Nhìn bề ngoài, bánh chưng đen cũng gói bằng lá dong xanh nhưng không có hình vuông như bánh chưng xanh mà hình dạng tròn, dài, gần giống với bánh gù của dân tộc Giáy mà nhiều nơi gọi là bánh chưng tầy. Nguyên liệu làm bánh cũng có nhiều thứ khá đặc biệt mang phong vị vùng cao: lúa nếp nương, thảo quả, thịt lợn, đỗ xanh và đặc biệt là màu đen của bánh được tạo ra từ than gỗ của cây núc nác trên rừng.

Hình ảnh

Bánh chưng đen ăn trong dịp tết, ngon nhất vẫn là nướng. Bánh cứ để cả lá, đặt lên lớp than hồng, phủ than nóng lên, đến khi lớp lá ngoài cháy hết thì mùi thơm của gạo nếp, của thảo quả, của thịt mỡ lan tỏa trong không khí đánh thức cảm giác muốn thưởng thức của mọi người. Thưởng thức một miếng bánh, cảm nhận được hương vị thật đặc biệt, vị thơm của nếp, vị ngọt, béo của thịt lợn vùng cao, vị của nhân đỗ xanh, vị là lạ của cây rừng... tất cả tạo nên một dư vị không thể nào quên một nét văn hóa ẩm thực đẹp của vùng cao Si Ma Cai.
Những cụ già người Nùng cho biết để làm được chiếc bánh chưng đen khá kỳ công, nguyên liệu làm bánh phải được chọn lựa kỹ càng: lá dong bánh tẻ, khổ vừa phải, rửa sạch, lau khô, lúa nếp nương phải là thứ nếp thơm ngon, nhân đỗ xanh đãi sạch vỏ, không lẫn sạn, thịt lợn ngon nhất là thịt ba chỉ, nhiều mỡ một chút, thái mỏng, ướp với gia vị, quả thảo quả khô, nướng cho thơm lừng, giã nhỏ trộn vào thịt cùng với tiêu, ớt bột. Để tạo màu đen cho chiếc bánh thì lấy thân cây núc nác tước vỏ, đốt thành than, giã mịn như bột, trộn lẫn với gạo nếp, đảo đều cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen. Bánh chưng đen phải được gói thủ công, trước khi luộc bánh, người ta đem ngâm qua nước lạnh một lần, xếp vào nồi đổ nước cho ngập mặt lá, đun khoảng 4 - 5 tiếng thì vớt ra. Giáp Tết, trong cái rét vùng cao, mà ngồi bên nồi bánh chưng sôi sùng sục khói, uống vài ba chén rượu ngô thơm nồng, ôn lại chuyện năm cũ, bàn chuyện năm mới thì vừa ấm cúng và thật thú vị.
Hình đại diện của người dùng
lalala1990
 
Bài viết: 126
Ngày tham gia: 21 Tháng 6 2012 15:47

Đặc sản của người Mông tại chợ Bắc Hà

gửi bởi lalala1990 22 Tháng 6 2012 16:09

Đến với phiên chợ Bắc Hà, không chỉ được thưởng thức không khí nhẹ nhàng, thoáng đãng của vùng rừng núi, mà còn được thưởng thức rất nhiều những món ăn truyền thống – một nét đặc sắc riêng của người miền núi, đặc biệt là người H’mong.

Đặc sản truyền thống của người dân tộc Mông, không thể không nhắc đến món mèn mén – 1 món ăn thường xuyên góp mặt trong các dịp lễ hội, tết, phiên chợ.

Mèn mén – 1 món ăn truyền thống

Không khó để làm nhưng mèn mén đòi hỏi sự công phu và tốn nhiều thời gian. Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, mèn mén ngon nhất phải được làm từ giống ngô tẻ địa phương. Bắp ngô được đưa ra bóc vỏ, tẽ hạt rồi dùng cối đá xay nhỏ, đặt lên chảo nước rồi đun. Mèn mén khi đã chín có vị thơm rất đậm đà, một trong những gia vị không thể thiếu khi ăn kèm đó là tương ớt, đậu xị và rau thơm.

Phở chua Bắc Hà là 1 món ăn đòi hỏi sự tỉ mỉ của người làm

Một món ăn dân dã, không thể không nhắc đến là phở chua Bắc Hà. Khác với những loại phở bình thường, phở chua cần bánh phở, nước chua, dưa muối chua, tàu xì, lạc rang, tương ớt. Sở dĩ nói đây là 1 món ăn dân dã vì bánh phở được làm từ loại gạo địa phương, đặc biệt là tàu xì được chế biến rất công phu, mất đến 3 tháng để có 1 hũ tàu xì ngon.

Thắng cố - món ăn cặp đôi với rượu Ngô Bản phố

Và cuối cùng, không thể không nhắc đến là món thắng cố - niềm tự hào của người miền núi. Thắng cố được làm từ thịt lợn, thịt chó, thịt dê… và các loại xương, ngũ tạng rửa sạch, nêm gia vị rồi ninh lên thành món tổng hợp. Cũng đã có rất nhiều nhà hàng có loại đặc sản này, nhưng không nơi đâu thắng cố có 1 hương vị đặc biệt như hương vị của miền núi nơi đây.

Đến với phiên chợ Bắc Hà, không chỉ được thưởng thức không khí nhẹ nhàng, thoáng đãng của vùng rừng núi, mà còn được thưởng thức rất nhiều những món ăn truyền thống – một nét đặc sắc riêng của người miền núi, đặc biệt là người H’mong.
Hình đại diện của người dùng
lalala1990
 
Bài viết: 126
Ngày tham gia: 21 Tháng 6 2012 15:47

Thưởng thức hương vị phở Bắc Hà

gửi bởi lalala1990 22 Tháng 6 2012 16:39

Những sợi phở to bản roi rói sắc hồng, hơi nâu như vuông lụa xếp nếp, những thớ thịt gà chắc nịch đã xếp vào bát… rưới từng muôi nước dùng nóng hổi từ chiếc nồi to sôi sùng sục trên bếp lò.

Dừng chân ở Bắc Hà lúc 6 giờ sáng. Rét ngọt, mưa phùn lâm thâm và từng sợi đêm vẫn còn bảng lảng, chúng tôi sà vào quán phở sực mùi thơm ngay đầu thị trấn. Đó là quán phở gà của bà Tuất, đã đỏ lửa trên phố núi này hơn 30 năm.

Những sợi phở to bản roi rói sắc hồng, hơi nâu như vuông lụa xếp nếp, những thớ thịt gà chắc nịch đã xếp vào bát… bà Tuất cẩn thận rưới từng muôi nước dùng nóng hổi từ chiếc nồi to sôi sùng sục trên bếp lò. Trong cái mờ ảo của khói bếp quyện lẫn với sương sớm, hãy nhấp một chút nước dùng ngọt lừ cho ấm giọng đi, rồi mới nhẩn nha nếm từng sợi phở thơm dẻo. Hồn phở Bắc Hà ở trong sợi phở ấy.

Bà Tuất kể, mỗi ngày bà tự tay tráng khoảng 60, 70 cân bánh bằng gạo nương, thứ gạo mà bà gọi tên là Ma Chá, của người Mông trồng trên núi cao. Gạo Ma Chá khi tráng thành bánh phở vẫn còn nguyên vị dẻo thơm lạ lùng của những vạt lúa vàng tít tắp gối lên nhau giữa ngút ngàn thung lũng.

“Phải là gạo nương thì bánh phở mới dẻo, chứ tráng bánh bằng gạo dưới xuôi thì ăn tưỡn lắm”. Thấy tôi ngạc nhiên, bà giải thích: “tưỡn” là cứng và trơ ấy mà! Đi với bánh phở gạo nương là thịt gà bản Bắc Hà chính hiệu. Không vàng ươm, bóng nhẫy vì nhuộm phẩm hay trắng phớ như thịt gà công nghiệp, thịt gà trong bát phở Bắc Hà có da giòn, thịt mềm, xương nhỏ, ngọt thơm từ trong ra ngoài. Cô bạn của tôi vì thế chấp nhận ăn bát phở không thịt, để gặm trọn chiếc đùi gà vừa được bà chủ quán ưu tiên bán kèm bát phở “không người lái”.

Không chỉ có phở gà, Bắc Hà còn có phở chua, món khoái khẩu của người Mông, Tày, Nùng… mỗi buổi chợ phiên. Chủ một trong những quán phở chua nổi tiếng nhất Bắc Hà, anh Nguyễn Văn Thắng kéo chúng tôi vào bếp để giới thiệu chiếc nồi nhôm đặt đúc tận Việt Trì, Phú Thọ với giá 1 triệu rưỡi để tráng bánh. Trên chiếc nồi đúc nổi hai chữ Thắng Bắc là tên quán phở.

Mỗi ngày, anh Thắng tự tay tráng hơn 80 cân bánh phở cho vợ, chị Đỗ Thị Bắc làm phở chua. Khác với phở gà bà Tuất, bánh phở nhà anh Thắng tráng bằng gạo Seo Má Lạt, kèm với dưa cải mèo muối chua, thịt lợn đen, lạc rang, nước dưa chua hoặc giấm, một chút đậu xị, tương ớt… trộn đều là có một bát phở với đủ chua, cay, mặn, ngọt cho một buổi sáng Bắc Hà nhiều cảm xúc. Phụ nữ Bắc Hà thích phở chua như đàn ông nghiện rượu. Đàn ông Bắc Hà uống rượu xong, lại khật khưỡng đi tìm quán phở chua như tìm vị thuốc giải say.

Rời Bắc Hà để về Hà Nội, trong tôi như vẫn tràn ngập dư vị lạ lùng của những món phở trên cao nguyên trắng. Lạ thế! Hương vị Bắc Hà dường như nằm cả ở muôi nước dùng sóng sánh, những thớ thịt gà chắc mà không dai, nạc mà không xác, những lát phở tráng bằng gạo Ma Chá nếp xếp hồng nâu…
Quay về Ẩm thực

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.1 khách.