Những món ăn đặc sắc. Không chỉ là cách chế biến mà còn những câu chuyện, những phong tục...
Hình đại diện của người dùng
ttxtdlbentre
 
Bài viết: 70
Ngày tham gia: 15 Tháng 3 2011 07:29

Ẩm thực Bến Tre

gửi bởi ttxtdlbentre 06 Tháng 6 2011 15:49

Bến Tre có một vị trí địa lý đặc biệt là rất nhiều sông rạch với nhiều nguồn lợi thủy hải sản tự nhiên phong phú, ẩm thực đặc trưng với nhiều sản vật tự nhiên vốn chỉ có trong rừng dừa. Và người Bến Tre đã biết khai thác các nguồn sản vật đặc trưng đó để sáng tạo các món ăn, kiểu ăn độc đáo của riêng mình.
Dưới những mương rạch của vườn dừa còn có nhiều loài tôm cá đặc biệt như cá bống dừa, cua, tôm càng xanh, tép và nhiều loại thủy sản khác. Trong hệ sinh thái rừng dừa còn có loài ong ruồi chuyên lấy mật từ hoa dừa, các loài rắn, chuột dừa, rắn mối… cũng góp phần làm cho nguồn thực phẩm của người Bến Tre thêm phong phú. Dưới đất trồng dừa còn có nấm mối, các loài rau tự nhiên mọc xen lẫn. Những hệ động thực vật đa dạng trong rừng dừa cũng là thành phần của một số món ăn, đồ uống đặc sắc của người Bến Tre bao đời nay.
Hình ảnh
Nấm mối xào

Đặc biệt, trong rất nhiều món ăn của người xứ dừa luôn có mặt các dạng nguyên liệu từ cây dừa. Ngày thường cũng như ngày giỗ chạp, lễ, tết, những món “đặc sản” dùng để đãi bạn bè, người thân hay thực khách bốn phương đều không thể thiếu nguyên liệu dừa. Có thể nói qua bao đời vừa tích lũy kinh nghiệm, vừa biến tấu, sáng tạo đến độ nhuần nhuyễn, tài tình.
Trước tiên xin nói đến việc uống dừa. Có lẽ nhờ khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp nên những giống dừa trồng ở Bến Tre như dừa dâu, dừa chùm (trái nhỏ chỉ độ hơn nắm tay đàn ông nhưng rất sai, 30 - 40 trái 1 buồng, nước rất ngọt), dừa dứa (thơm mùi dứa), dừa xiêm xanh, dừa Tam quan … mỗi loại dừa đều có kiểu ngon riêng, người Bến Tre có câu “uống nước dừa xiêm khỏi tiêm thuốc bổ” để ca ngợi quả dừa.
Hình ảnh
Dừa dâu

Nước cốt dừa rất đa dụng trong việc chế biến món ăn. Vị béo đậm đà của nước cốt dừa là một hương vị đặc trưng, một trong những nguyên liệu cơ bản. Đây là thành phần không thể thiếu trong rất nhiều món ăn của người Bến Tre. Dừa rám, dừa khô người ta nạo nhuyễn vắt lấy nước cốt, có thể nạo dừa bằng bàn nạo tay hoặc bằng máy, sau đó nhào với nước ấm rồi vắt, ép lấy nước cốt trắng tinh như sữa nên còn được gọi là sữa dừa (tùy theo nhu cầu sử dụng mà lấy nước cốt đặc hay lỏng). Các loại kẹo, bánh, chè, kem cũng như rất nhiều món mặn dùng trong ngày thường hay giỗ chạp, lễ, tết đều không thể thiếu nước cốt dừa.
Hình ảnh
Tép rang dừa
Sửa lần cuối bởi ttxtdlbentre vào ngày 07 Tháng 7 2011 13:18 với 1 lần sửa.
TTXTDL Ben Tre
Hình đại diện của người dùng
nguyenanh488
 
Bài viết: 1
Ngày tham gia: 15 Tháng 6 2011 21:35

Re: Ẩm thực Bến Tre

gửi bởi nguyenanh488 15 Tháng 6 2011 22:03

mình chưa có dịp đến bến tre, nhưng mình đã tiếp xúc với con người nơi đây, mình rất thích kẹo dừa bến tre, con người cũng rất tuyệt. hi vọng sẽ có dịp tới thăm vùng đất này
Hình đại diện của người dùng
ptl161
 
Bài viết: 5
Ngày tham gia: 03 Tháng 10 2010 21:05

Re: Ẩm thực Bến Tre

gửi bởi ptl161 20 Tháng 8 2011 20:56

Hi, nhìn ngon quá :X


....................
Hình đại diện của người dùng
ttxtdlbentre
 
Bài viết: 70
Ngày tham gia: 15 Tháng 3 2011 07:29

Ẩm thực Bến Tre

gửi bởi ttxtdlbentre 08 Tháng 9 2011 10:27

Ẩm thực Bến Tre - Hương vị quê dừa trong các món ăn (Bến Tre)

Hình ảnh
Bến Tre được hình thành trên ba dãy cù lao lớn, có hệ sinh thái rất phong phú đa dạng, trong đó dừa là nguồn nguyên liệu dồi dào mà từ lâu người Bến Tre đã biết tận dụng khai thác. Chính cái hương vị thanh ngọt của các loại dừa trên đất Bến Tre đã tạo nên những đặc trưng riêng, mà khó có thể lẫn lộn ở bất kỳ nơi nào. Nhờ thiên nhiên ưu đãi mà đất của Bến Tre rất màu mỡ, phù hợp phát triển rất nhiều loại dừa khác nhau trên vùng đất này như: Dừa dâu, dừa chùm (trái nhỏ nhưng nước rất ngọt), dừa dứa (thơm mùi lá dứa), dừa xiêm xanh, dừa Tam quan…. Các loại dừa này người ta thường lấy nước để uống; nước dừa cũng là một trong những nguyên liệu góp phần làm nên các món ăn ngon. Ông bà xưa kia ở xứ sở này đã tận dụng cơm dừa, nước dừa để chế biến và làm nên những món ăn hấp dẫn, độc đáo, được lưu truyền từ đời nay sang đời khác, được nhân rộng đến nay và góp phần làm phong phú thêm sắc màu ẩm thực của xứ dừa Bến Tre.

* MỨT DỪA
Hình ảnh
Mứt dừa là món ăn truyền thống khá quen thuộc trong ngày Tết, ngày giỗ… của người dân Nam bộ nói chung và Bến Tre nói riêng. Để làm được mứt dừa ngon, hấp dẫn, thì việc chọn trái dừa ngon là một yếu tố quan trọng nhất. Dừa phải là trái dừa vừa rám tới, chỉ lấy phần cơm bên trong. Cạy cơm dừa ra, gọt sạch lớp vỏ lụa màu nâu đen, sắt mỏng thành sợi dài, đều, rồi rửa sạch lại, để ráo, trộn vào với đường cát trắng, sau đó để lên bếp lửa riu riu, xào lên liên tục, đến khi mứt dừa khô lại. Mứt dừa làm ra phải khô, ngọt đều thì mứt mới ngon và cũng có thể có dùng nhiều màu sắc khác nhau để pha trộn vào như màu hồng (từ củ dền), màu xanh (từ lá dứa) hay màu tím lá cẩm hoặc màu quả gấc… hay một số màu thực phẩm khác để mứt dừa thêm màu sắc sinh động.

* CHUỐI XÀO DỪA
Hình ảnh
Chuối xiêm nấu chín, xắc thành từng miếng nhỏ, đem khèo với nước cốt dừa pha với bột mì. Cho vào ít đường, muối, đậu phộng rang, bột khoai, thì món chuối xào dừa sẽ là món ăn tuyệt vời.

* CHÈ THƯNG
Hình ảnh
Lấy cơm dừa non dát thành sợi mỏng, nấu với đậu phộng, đậu xanh, bột khoai, khoai lang, bột bán, nước cốt dừa… ăn với đá đập nhuyễn rất hấp dẫn. Chè thưng dùng nóng cũng rất tuyệt.

* CHÈ BÍ NGÔ CỐT DỪA
Hình ảnh
Là món ăn bổ dưỡng, tăng cường miễn dịch cho cơ thể, làm đẹp da. Món ăn có vị ngọt thanh của bí ngô, cùng với vị béo ngậy của nước cốt dừa tạo nên hương vị đặc trưng của quê hương xứ dừa.


* BÁNH XÈO
Hình ảnh
Bánh xèo là món ăn rất phổ biến của người Nam bộ, nhưng ở Bến Tre món bánh xèo lại được biến tấu ra nhiều hương vị khác như:
- Bánh xèo củ hủ dừa: Củ hủ dừa là phần đọt non của cây dừa xắc thành sợi làm rau để chiên bánh xèo rất thơm và ngọt.
- Bánh xèo hến, đặc biệt là hến vùng Chợ Lách rất ngọt, to nên rất được ưa chuộng.
Hình ảnh
Nguyên liệu làm nên chiếc bánh xèo ngon hay không còn phụ thuộc vào độ béo vừa phải của nước cốt dừa, cách chiên bánh, … Bánh xèo chỉ ăn ngon khi vừa mới chiên xong nhờ độ giòn, nóng kết hợp với các loại rau vườn như đọt xoài non, rau thơm, …

* BÁNH BÒ DỪA NƯỚNG
Hình ảnh
Bánh bò dừa nướng có nguyên liệu chính là bột mì, bột nổi, trứng gà. Nhân bánh là dừa bào sợi xào với đường cát trắng và đậu xanh. Bánh bò dừa nướng dẻo dẻo cùng với vị béo của nhân dừa, vị thơm của mùi nướng ăn rất hấp dẫn.

* BÁNH TÉT
Hình ảnh
Một loại bánh rất đặc trưng cho đất Bến Tre, không thể thiếu trong các dịp giỗ, tết cổ truyền dân tộc. Đó là bánh tét. Bánh tét rất đa dạng nên có rất nhiều sự lựa chọn cho người thưởng thức. Thông thường bánh tét có các loại nhân: đậu xanh, nhân chuối trái, nhân đậu xanh với thịt ba chỉ hay nếp xào với chuối xiêm bóp nhừ ra trộn với dừa rám bâm nhuyễn. Với độ khéo léo của người làm bánh, chiếc bánh tét ngày nay còn được bài trí rất đẹp mắt, người làm bánh tét gọi đó là bánh tét chữ.

* ỐC SÀO NƯỚC CỐT DỪA
Hình ảnh
Ốc sào nước cốt dừa có thể dùng ốc bưu (ốc bưu thì luộc trước sau đó lể ốc ra), ốc hút, …. có hương vị rất độc đáo, vị béo của dừa kết hợp với vị thanh ngọt của ốc làm cho món ăn không gây cảm giác ngán. Chế biến món này khâu ướp gia vị cực kỳ quan trọng, phải đảm bảo để đủ các loại gia vị như: ớt, xả , tỏi, muối, đường, nước mắm để tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn.

* TÉP RANG DỪA
Hình ảnh
Tép rang dừa là món ăn thường ngày của người dân Bến Tre, bởi cách chế biến đơn giản, dễ làm mà lại ngon và đặc biệt là có độ béo của nước cốt dừa. Hiện nay trong các thực đơn, “tép rang dừa” đã trở món ăn quen thuộc không chỉ ở Bến Tre mà còn phổ biến rộng rãi ra ngoài tỉnh. Tép rang dừa ăn với cơm trắng, dẻo thì không thể chê vào đâu hết.

* CƠM DỪA
Hình ảnh
Để làm món này, người ta dùng gạo vo sạch bằng nước dừa, để ráo rồi cho vào trái dừa, đổ nước dừa tươi vào vừa đủ, rồi đậy nắp lại đem chưng. Dừa dùng nấu cơm ngon nhất là dừa xiêm, trái phải ở độ tuổi vừa nạo. Sau khi chọn được trái dừa, người ta gọt cho quả dừa có hình dạng đẹp mắt, rồi cắt ngang một phần trên quả dừa để trút nước ra và lấy miếng cắt đó làm nắp để đậy. Cơm dừa ăn với tôm rang mặn là món ăn vô cùng hấp dẫn, không thể quên.

* THỊT HEO KHO NƯỚC DỪA (còn gọi là thịt kho tàu)
Hình ảnh
“Thịt kho nước dừa” là món đặc trưng của Bến Tre, bởi sau khi ướp thịt thì nguyên liệu chủ yếu để nấu là nước dừa. Nước dừa của Bến Tre có vị thanh ngọt nên khi chế biến xong có mùi vị đặc trưng thơm ngon, không ngán. Món ăn này không chỉ có ở Bến Tre mà cả vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, thịt kho tàu ở Bến Tre vẫn là “nhất”, bởi Bến Tre là xứ sở rừng dừa, nên người dân ở đây chỉ dùng nước dừa để kho thịt, nước dừa ngấm vào từng miếng thịt và trứng vịt, tạo nên vị ngọt rất thanh. Thịt kho nước dừa đến khi sắc lại sẽ có màu tự nhiên rất đẹp, nhìn rất hấp dẫn.

* CỦ HỦ DỪA HẦM VỚI BẮP GIÒ HEO
Hình ảnh
Đây là món ăn nhiều dinh dưỡng và hấp dẫn, với hương vị ngọt ngào từ củ hủ dừa được lấy trên ngọn dừa, cùng với vị thơm béo của bắp giò heo hòa quyện vào nhau tạo nên món ăn đầy quyến rũ.

* GỎI CỦ HỦ DỪA
Hình ảnh
Ngoài ra, trên cây dừa còn có một thành phần là “củ hủ dừa” chế biến ra món ăn rất ngon, được nhiều người ưu thích như: món gỏi, xào … rất ngọt, hấp dẫn và lạ miệng. Củ hủ dừa là phần ngon nhất của cây dừa, muốn làm được món ngon này chúng ta cần phải lựa củ hủ “già” tức là cây dừa nào càng lâu năm thì củ hủ dừa càng ngọt thanh và giòn. Món ăn kết hợp giữa củ hủ dừa với tôm, tai lợn ngâm chua, hoặc thịt bò và các loại rau củ khác. Đây là món ăn ít béo, thanh đạm.

Cùng với đất và người nơi đây, cũng như nguyên liệu từ dừa, đã góp phần chế biến đa dạng ra nhiều món ăn, làm phong phú và tô điểm thêm cho ẩm thực Bến Tre những màu sắc mới. Nếu một lần đến đây du khách cũng chưa cảm nhận hết hương vị của xứ sở quê dừa. Xin mời du khách hãy tìm đến xứ dừa lần nữa để tiếp tục khám phá, thưởng thức và tin rằng du khách sẽ rất hài lòng về các món ăn khác có chất liệu từ dừa./.
TTXTDL Ben Tre
Hình đại diện của người dùng
ttxtdlbentre
 
Bài viết: 70
Ngày tham gia: 15 Tháng 3 2011 07:29

Các món ăn biến tấu từ "chuột dừa"

gửi bởi ttxtdlbentre 09 Tháng 9 2011 07:57

Sưu tra từ các tư liệu và sách “Bến Tre với văn hóa ẩm thực”, ở xứ dừa Bến Tre có món ăn dân dã, thú vị, được chế biến từ một loài vật có sẵn trong thiên nhiên, mà từ xưa đến nay người dân xứ dừa rất khổ sở vì nó. Bởi ít nhiều gì nó cũng làm ảnh hưởng đến kinh tế của chủ vườn. Loài vật này có cái tên gắn liền với loại cây đã bám đất, bám rễ từ lâu và dẻo dai trước bão giông, quật cường cùng con người Bến Tre trong đấu tranh và xây dựng xứ sở cù lao này, đó là “cây dừa”. Ở ngoài đồng thì loài vật này cắn phá ruộng lúa, vào trong vườn thì nó cắn phá trái dừa, nên người dân xứ dừa gọi nó là “Chuột dừa”.
Hình ảnh
Cách chế biến đến phương pháp bắt chuột dừa cũng là đề tài cho giới “sành ăn” bàn cải. Theo như lý giải của người chế biến các món ăn này, thì chuột dừa hay chuột đồng thật ra chỉ là một, nhưng do môi trường sống của mỗi loài chuột có khi ở đất vườn trồng dừa, có khi trên đất ruộng cấy lúa nên có tên gọi khác nhau.

Từ xa xưa loài chuột đã được dân gian ví von thành những câu ca dao, tục ngữ, các mẫu chuyện ngụ ngôn hay được những người làm nghệ thuật sáng tác thành những điệu lý, câu hò, bài vè nói về chuột nghe rất hay.

Bắt chuột là một nghệ thuật và còn là nét văn hóa dân dã độc đáo ở xứ dừa, nhưng không phải ai cũng biết đến. Chính vì thế mà trong dân gian truyền miệng những câu ca dao nghe rất bùi tai:

Làm nghề bẫy chuột ít ai theo
Vừa hưởng thú vui lại đỡ nghèo
Chiều gài mỏi cổ bao giờ ngán
Sáng gỡ bầm tay mấy thuở lèo
Mưa nắng lội lầy chân bẩn nhớp
Tháng năm thanh thản ruột trong veo…


Nghề săn chuột dừa xuất hiện một cách ngẫu nhiên, có người nói xuất hiện vào những năm 80 của thế kỉ XX, khi những vườn dừa của Bến Tre được trồng mới sau giải phóng đồng loạt ra trái, thì cũng là lúc dừa Bến Tre bị dòng họ nhà chuột phá tơi tả, rụng nằm ngổn ngang dưới gốc dừa. Cũng vào thời điểm này, xuất hiện những người làm nghề săn chuột dừa chuyên nghiệp.

Theo kinh nghiệm của những người làm nghề săn chuột, thì khi khí trời nóng nên, đồng áng khô hạn, theo tập quán lũ chuột từ đồng trống lần lượt kéo nhau vào vườn trú ngụ trên những đọt dừa rất mát và những trái dừa là nguồn thức ăn, thức uống sẵn có tại chổ để chúng xơi. Cơm dừa là món mà loài chuột rất khoái khẩu, thường là những trái dừa cứng cạy hay còn gọi là dày cơm, dừa non. Trái dừa còn là phương tiện để chúng đua tài “khoét hang, moi lỗ, thử răng”. Vì thế, vào những ngày tháng này tại những vườn dừa Bến Tre trái dừa bị “chuột khoét” nằm trắng đất.

Tuy có nhiều cách bắt chuột, nhưng cũng không sao tiêu diệt hết được nó. Người dân xứ dừa phải tìm ra nhiều phương pháp để bắt chúng như: Bẫy lồng, bẫy đập (được gài dưới gốc dừa), mồi nhữ chúng là cơm dừa. Hay người ta còn dùng biện pháp dân gian để bắt như: Dùng sào chọc cho chuột chạy ra tàu lá, rồi dùng giàn thun bắn rơi xuống đất để chó vồ. Cách bắt này người ta cho là trò chơi con nít, mang tính tiêu khiển cho vui là chính, nhưng dần dần về sau lại trở thành một nghề chuyên nghiệp và nghề này hoạt động nhiều nhất là vào mùa khô.

Bắt được chuột dừa, muốn có món ăn ngon phải trải qua các công đoạn chế biến, trước hết là sơ chế, thường có hai cách: thui rồi lột da và lột da không thui. Với cách thui rồi lột da, người ta thường sử dụng lửa rơm thui chuột bằng cách cho một lượt chuột vào trong đống rơm, thui cho cháy lông, nứt da, sau đó lột bỏ da làm sạch lại. Với cách lột da không thui, thường cắt bỏ đầu lột da từ trên xuống đến chân.

Sau khi sơ chế xong thịt chuột dừa, có thể chế biến ra rất nhiều món ăn, nhưng người dân xứ dừa thường chọn các món đơn giản, dễ làm, nhưng lại ăn rất ngon và hấp hấp dẫn, ai cũng có thể làm được:

* Chuột dừa nướng
Hình ảnh
Ướp thịt chuột với tỏi, hành, sả, ớt bâm nhuyễn; muối, tiêu, bột ngọt, đường và ngũ vị theo yêu cầu, để vài giờ cho gia vị thấm vào thịt chuột, sau đó đem phơi nắng, rồi đem nướng thì càng ngon. Khi nướng thịt chuột phải sử dụng lửa than nướng mới ngon. Chúng ta có thể đặt thịt chuột trên vỉ hay cặp gắp để nướng cũng được; nướng đến khi nào thấy thịt chuột khô, vàng, thơm là có thể dùng được. Chuột dừa nướng chấm với nước tương, muối tiêu hay nước nắm tỏi ớt đều ngon cả. Mùi vị thịt chuột dừa nướng tỏa mùi rất thơm, ngon, hấp dẫn, ăn không ngán. Người dân xứ dừa thường dùng món ăn này với cơm nếp nấu nước cốt dừa hay xôi rất tuyệt.

* Chuột dừa quay nước cốt dừa (hay còn gọi là chuột dừa quay chảo)
Hình ảnh
Đối với món ăn này sau khi ướp gia vị vào thịt chuột dừa xong, bắc chảo mỡ (dầu) lên khử tỏi cho thơm, sau đó cho thịt chuột vào đảo cho đều đến khi thịt khô, săn lại, rồi cho nước cốt dừa dão vào nấu lên, tiếp tục cho nước cốt dừa nguyên chất vào và thường xuyên đảo qua, đảo lại cho đến khi nước trong chảo còn hơi sền sệt, nhắc xuống cho ra đĩa, rắc đậu phộng rang lên. Món này khi chế biến có thể dùng trái khổ qua đèo và hành củ loại lớn thêm vào, để phong phú thêm món ăn và khi dùng ít ngán. Món ăn này do có hương vị của nước cốt dừa nên có vị béo, thơm, rất hấp dẫn.

* Chuột dừa xé phay
Thịt chuột dừa làm sạch, để ráo nước (nên chọn con to, mập để có nhiều thịt). Bắt nồi cơm lên bếp lửa than, đợi khi cơm vừa chắt nước xong, lấy lá chuối sạch lót lên trên mặt cơm, rồi để thịt chuột dừa vào đậy nắp nồi lại. Cơm chín thì đồng thời thịt chuột cũng chín tới và bốc mùi thơm; đem thịt chuột ra xé phay trộn với rau răm, chấm với muối tiêu, muối ớt vắt chanh, không thua gì thịt gà tơ thả vườn.

* Chuột dừa xáo lá cách với nước cốt dừa:
Hình ảnh
Món ăn này, thịt chuột phải được bầm nhuyễn, cách ướp thịt và khử thịt giống như cách làm “Chuột quay nước cốt dừa”, nhưng ở đây ta người dùng lá cách (sắt thành sợi). Cây lá cách là loại cây thiên nhiên, là loại rau sạch, có mùi thơm, ăn rất mát và nên thuốc, dễ tìm, nên người ta rất thích dùng nó xáo thịt chuột với nước cốt dừa. Món này dùng chung với cơm trắng hay bánh mì đều ngon cả.

Có thể khẳng định rằng, người dân xứ dừa không ưa loài chuột chút nào cả, nhất là loài chuột chuyên phá hại vườn dừa, nên tìm mọi phương cách để tiêu diệt nó. Tuy ghét nó mà nói vậy, nhưng phải công nhận rằng thịt chuột dừa ăn rất ngon, béo hơn chuột đồng, thịt nó trắng và có một mùi thơm đặc biệt. Có lẽ cả đời chúng chỉ ăn, uống chất bổ tiết ra từ trái dừa, nên cái ngon, cái béo của trái dừa đã thấm dần vào thịt của chúng, vì thế mà thịt chuột dừa rất thơm ngon.

Ngoài các món kể trên, chuột dừa còn được chế biến ra nhiều món ăn độc đáo, hấp dẫn khác như: Chuột dừa kho rau râm, chuột dừa xào củ kiệu, chuột dừa xào lăn, chuột dừa chiên rôti, chuột dừa nấu cà ri, chuột dừa nướng muối ớt, chuột dừa nấu cơm mẽ…. Các món ăn được chế biến từ chuột dừa rất giàu chất đạm và bổ dưỡng. Có thể nói, ăn thịt chuột dừa là mắc ghiền! Nếu một lần ghé thăm Bến Tre, du khách đừng quên thưởng thức món ăn dân dã, độc đáo, thú vị, mang đậm hương vị đặc trưng của xứ dừa này nhé!
TTXTDL Ben Tre
Hình đại diện của người dùng
nhanh0h0
 
Bài viết: 18
Ngày tham gia: 25 Tháng 10 2011 10:51
Đến từ: Ho Chi Minh

Re: Ẩm thực Bến Tre

gửi bởi nhanh0h0 01 Tháng 11 2011 09:57

nhìn ngon thật :cl:
Hình đại diện của người dùng
hieunguyen
 
Bài viết: 1
Ngày tham gia: 07 Tháng 12 2011 14:55

Ký ức tuổi thơ với dừa quê tôi

gửi bởi hieunguyen 07 Tháng 12 2011 14:58

Hình ảnh
Xóm tôi, một làng quê được bao phủ bởi một màu xanh hiền hoà, là nơi sinh trưởng của loài cây “bám đất bám rễ” từ lâu của vùng đất cù lao hạ nguồn sông Cửu Long. Cũng giống như nguồn gốc thì tên gọi “cây dừa” cũng chỉ là cái tên để phân biệt với các loại cây khác, nhưng chính vì sự sinh trưởng kỳ diệu nên cây dừa trồng trên vùng đất quê tôi ở đâu cũng đều tốt tươi và cho nhiều trái. Nói đến dừa quê tôi, làm tôi nhớ lại một vài câu hát mà thuở nhỏ tôi thường nghe Đài phát thanh Bến Tre hay phát trong chương trình thiếu nhi: “Đố bạn biết cây gì, lá như chiếc lược ngà, thân cao cao trong trái có nước, cơm dừa trắng phau dùng để làm dầu…”.

Hình ảnh
Nhớ về tuổi thơ, nó vẫn còn như in trong tâm trí tôi: Là chạy dọc theo những vườn dừa bạt ngàn, có những khoảng không cho lũ trẻ xóm tôi nháo nhào đùa giỡn. Cả bọn thường hay tụ tập đi nhặt từng bông dừa rụng dưới đất để xâu lại thành chuỗi làm vòng đeo cổ, đeo tay, hay có lúc nghịch ngợm chơi trò con nít dùng nó làm trang sức cho đám cưới giả. Cũng có lúc cả bọn dùng bông dừa cột vào sợi chỉ để câu còng bầm cho gà, vịt ăn. Lại có lúc chia phe chơi chọi cầu, đá cầu, bọn con gái chơi nhảy dây, nhảy cò cò; bọn con trai săn chuột, bắn cu li…

Hình ảnh
Sau những cuộc chơi thấm mệt, bọn con trai giỏi thật trèo một mạch lên tận ngọn dừa cao tít, bẻ vài trái dừa đem về nhà chặt uống nước, có hôm cả bọn xử ngay tại chỗ. Có lúc nhà chưa làm kịp làm thức ăn hoặc không có gì ăn, là chặt ngay trái dừa lấy nước bỏ vào một tí muối trắng chan vào cơm nguội để ăn. Tôi vẫn còn nhớ rõ như in “nước dừa chan vào cơm nguội ăn với muối tiêu no căng bụng luôn!”. Hay những lúc khó khăn, nhà không có thức ăn, Nội tôi lột trái dừa cứng cạy, rồi dùng cơm dừa sắt thành cọng dài khoảng 5 – 7cm, dùng nước nắm hay muối pha loãng vào kho khô ăn với cơm. Dừa kho khô phải nói vừa béo, vừa mặn mặn, khi ăn từ từ, nó ngon vô cùng tận và ăn no không thôi.

Hình ảnh
Bây giờ, mỗi lúc nhớ về quê nhà, nhớ về xóm dừa quê tôi, hay những lúc về quê nhìn lại nơi kỷ niệm thuở ấu thơ, ký ức chợt quay về, tôi cứ miên man nhớ về mình thuở nhỏ. Cũng những kỷ niệm khó phai ấy, mà đến bây giờ tôi vẫn không quên đó là: Chẳng nhớ tự lúc nào, chỉ nhớ ngày xưa khi còn được bế bồng trên tay, Bà và Mẹ tôi kể lại vừa bồng tôi trên tay, vừa lấy củi dừa, vỏ dừa dụm vào dưới một cái xoong hay cái chảo to. Tôi cứ nhìn chằm chằm vào đó, chẳng biết nó là thứ gì mà lúc đầu sôi ùn ụt, về sau nó có màu đen và sôi lên lịch ịch. Lúc ấy tôi quay mặt đi chỗ khác, ôm ghì chặt vào cổ Nội hay Mẹ tôi khóc thét lên “con ghê, con sợ”. Có lẽ trông ánh mắt thơ ngây, ngơ ngác, ghê sợ đó của tôi mà Nội tôi bảo: “Cháu của Nội ngoan, đừng sợ, đừng nhõng nhẽo, để Nội thắng nước màu dừa bán lấy tiền mua gạo, mua bánh cho cục cưng của Nội ăn nha”. Cứ mỗi lần Nội hay Mẹ tôi dỗ dành như thế, tôi lại càng khóc dữ hơn, có lẽ tôi vừa sợ cái màu đen đen ấy thiệt và cũng có lẽ do nhõng nhẽo không muốn Nội và Mẹ làm gì cả, mà chỉ bế bồng tôi thôi. Tôi đâu nghĩ rằng cái nghề thắng nước màu dừa, cái mà hồi nhỏ tôi ghê sợ ấy đó lại chính là nghề mà gia đình tôi đã đeo đuổi và ít nhiều cũng góp phần giúp cho gia đình tôi những lúc khó khăn. Và được truyền lại từ đời này sang đời khác, mà cũng chẳng ai còn nhớ rõ nó được bắt đầu từ khi nào. Thuở nhỏ dưới ánh mắt của tôi nó là màu đen, khi đã lớn tôi nhận ra nó có màu đo đỏ sậm, rất đẹp… Và cái nghề thắng nước màu dừa đã ăn sâu vào tâm trí tôi, không thể nào quên.

Hình ảnh
Phải công nhận rằng, dừa Bến Tre quê tôi nhiều vô số kể, nhất là ở vùng nông thôn, chỉ trong một xóm thôi mà hầu như nhà nào cũng trồng thành bờ dừa, vườn dừa….:“Nhà tôi có dãy vườn hoa; có ba dãy nhãn, có ba dãy dừa”. Và dừa cũng đã trở thành nguyên liệu phong phú trong chế biến các món ăn, thức uống, nhưng đặc biệt phải nói đến việc từ nước dừa tươi chế biến thành nước màu dừa, nó rất được thông dụng và được xem là một nguyên liệu cơ bản để ướp cá, tép, thịt, trước khi đem kho…. Cái vị beo béo, thơm thơm, ngót ngót của nước màu dừa quê tôi sau khi làm ra món kho có màu vàng cánh gián óng ánh, rất hấp dẫn, nên nước màu dừa rất được ưa chuộng ở miền Nam.

Để có được nguyên liệu thắng nước màu dừa quả là vất vả, là cả một kỳ công. Thông thường ở quê tôi cứ 01 tháng bẻ dừa một lần, cách bẻ thì đơn giản, nhưng không dễ. Có nhà thì dùng “nài” để trèo lên ngọn dừa để bẻ, “nài” làm bằng dây chuối khô, dẻo se tròn và buộc tròn vừa khoảng cách giữa hai chân với thân cây dừa. Có nhà dùng “cây sào” được làm bằng cây tre dài, thẳng khoảng 5-6 m, một đầu dùng câu liêm cột chặt vào để giựt dừa. Sau khi dừa giựt xong phải thu gom, trái dừa nào mà rơi xuống mương thì dùng “cây chĩa” nhọn chĩa lên, cây chĩa có đầu nhọn làm bằng sắt, đầu chĩa có 02 phần (phần dùng để chĩa, phần dùng để móc), được gắn vào cây tầm vông thẳng khoảng 3m. Khi chĩa dừa lên bờ, có nhà dùng thúng, bội, cần xé gánh về hay thẻo một miếng nhỏ ngoài phần vỏ dừa cột chùm lại 5, 6 trái để quảy về, xách về. Vườn nào nhiều dừa thì khi giựt xong thảy xuống các mương vườn, chờ nước lớn lên xuống lùa về cùng một lúc. Tôi nhớ mỗi tháng giựt dừa xong tới đoạn gom vô nhà là ngán nhất. Chỉ mới có việc thu gom trái dừa thôi, mà cũng đã thấy vất vả vô cùng. Nếu nói đến làm ra thành phẩm nước màu dừa thì phải qua từng công đoạn, là cả một nỗi nhọc nhằn và càng kỳ công hơn nữa.

Hình ảnh
Khi đã thu gom dừa vô sân nhà xong, việc kế tiếp là lột dừa, có người dùng dao để lột dừa, nhưng lột nhiều dừa thì phải dùng “cây nầm”, một dụng cụ tách vỏ dừa (hay lột dừa) giống như cây giáo, có cán khoảng 8 - 10cm, xốc hơi xiên xuống đất để tách vỏ dừa. Sau đó đập dừa lấy nước. Đây có thể coi là công đoạn đầu của việc thắng nước màu dừa. Thường thì 100 dừa đủ đầu (120 trái) tương đương 30 lít nước dừa tươi, đem nấu thành 01 lít nước màu dừa. Điều quan trọng nhất để thắng ra nước màu dừa đạt chất lượng cao, mang cái hương vị quyến rũ, là sau khi bổ đôi dừa hứng lấy nước, phải dùng vải the lược sạch bụi đem nấu ngay, không được để nước dừa cách ngày, vì như vậy nước dừa sẽ bị chua, lên men thắng nước màu không ngon. Dùng xoong hoặc chảo lớn cho nước dừa vào nấu. Và quá trình sàn lọc kỹ lưỡng từng công đoạn sẽ cho ra đời nước màu dừa ngon, đúng độ.

Công đoạn thắng nước màu dừa mới thật gian khổ, có thể cùng một lúc đổ toàn bộ nước dừa vào hay có thể châm từ từ. Khi đun nước dừa rút cạn bằng 1/2 -1/3 so với khối lượng ban đầu, dùng vải lược gạn cặn, cát, bụi lại lần nữa và tiếp tục thắng cho đến khi nước màu có độ sền sệt, không thể châm thêm nước dừa tươi vào được nữa, thì nhanh tay sơ liên tục và sớt thành phẩm nước màu dừa sang nồi khác.

Hình ảnh
Để biết nước màu đã tới, phải dùng vá canh múc thử bằng cách múc vào – đổ ra, khi đổ ra nước màu chảy xuống chậm xem như đã tới. Nước màu tới nhắc xuống, để nguội, cho vào chai, lọ, … dùng để kho lâu dài. Nếu nước màu quá lửa bị đen như khét và đặc quánh khó trút ra và cho vào bình, lọ chứa; khi ướp kho cũng không ngon vì có mùi khen khét. Chính vì vậy, khâu không kém phần quan trọng trong việc thắng nước màu là khâu canh lửa. Không để lửa quá lớn hay quá nhỏ, phải thường xuyên cho củi vào chụm từ từ đến khi nào nước màu ra thành phẩm mới thôi. Thường thì thắng nước màu dừa phải đun lửa trong suốt 24 tiếng đồng hồ, để giữ được ngọn lửa cháy liên tục trong suốt thời gian trên, người ta phải thức suốt đêm để canh củi, canh lửa và phải luôn tay sơ đều…. Thời gian thắng nước màu dừa tùy thuộc vào việc cho nhiều hay ít nước dừa vào thắng, nhưng đối với người làm nghề này thì mỗi lần thắng như vậy sẽ làm với số lượng lớn nên có khi mất khá nhiều thời gian có khi cả ngày vẫn chưa xong.

Tôi nhớ rất rõ ngày xưa, cứ đôi ba bữa Bà và Mẹ tôi lại quảy đôi thùng gánh sang nhà hàng xóm để đập dừa xin lấy nước về thắng nước màu. Ngày xưa, xóm tôi có rất nhiều nhà làm dừa cạy, mà thời đó làm dừa người ta đập bỏ nước, nếu ai xin thì cứ đến tự đập lấy nước đem về. Sau này, nước dừa được sử dụng chế biến phong phú ra các loại thức uống hay dùng để chế biến các món ăn, nên nước dừa rất hiếm, phải mua. Vì vậy, những năm gần đây nước màu dừa “thứ thiệt” ở quê tôi rất được ưa chuộng và không còn rẻ như trước.

Ngày nay, nếu ra các chợ trên địa bàn Bến Tre, sẽ dễ dàng tìm mua được nước màu dừa. Tuy nhiên, phải biết lựa chọn đúng loại nước màu làm bằng nước dừa nguyên chất 100%, thì các món kho mới ngon và có màu sắc đẹp. Nước màu dừa quê tôi giờ đây khá nổi tiếng, nó đã thổi hồn vào các món kho bởi cái hương vị ngọt ngào, thơm thơm, beo béo và đặc trưng có màu vàng cánh gián rất đáng yêu. Trong tâm trí tôi luôn cảm phục, quí trọng, không bao giờ quên cái vất vả của những người đã có công làm ra nước màu dừa ở quê tôi./.
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình đại diện của người dùng
ttxtdlbentre
 
Bài viết: 70
Ngày tham gia: 15 Tháng 3 2011 07:29

Bến Tre và ẩm thực dừa

gửi bởi ttxtdlbentre 09 Tháng 3 2012 22:59

Bến Tre và ẩm thực dừa

Thấy dừa lại nhớ Bến Tre”. Chẳng biết tự bao giờ, Bến Tre được xem là “thủ đô dừa” của Việt Nam. Có người cắc cớ hỏi “Sao không gọi Bến Tre là Bến Dừa?”. Từ xa xưa, vùng đất này đã có người ở, sau đó dừa mới đến sinh sôi. Những người tiên phong mở đất đi bằng đường thủy, dừng chân tại bến thuyền có nhiều gốc tre. Tên gọi Bến Tre bắt nguồn từ đó. Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012 sẽ diễn ra từ 18 giờ ngày 04/4 đến hết ngày 10/4/2012 tại thủ đô dừa. Đây được xem là Lễ Hội Dừa Việt Nam với nhiều điểm nhấn như “Triển lãm sản phẩm dừa”, “Triển lãm thành tựu ngành dừa”, “Ẩm thực dừa”, hội thảo “Chuỗi giá trị dừa”, “Thời trang dừa”, “Con đường dừa”… Bỏ qua phần khai mạc và bế mạc rập khuôn kiểu sân khấu hóa + truyền hình trực tiếp; nếu biết cách tổ chức, chỉ riêng “Ẩm thực dừa” cũng đủ thu hút khách du lịch về Bến Tre.

Với dừa, các nghệ nhân có thể sáng tạo ra hàng ngàn sản phẩm, từ bình dân đến cao cấp. Tha hồ mà ngắm nghía, tìm hiểu và có thể “rinh” vài món về làm kỉ niệm hoặc trang trí nhà cửa. Từ cơm dừa, các nhà khoa học đã chế thành cả trăm mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức nắng và cả chữa bệnh. Cơm dừa tươi nghiền rồi sấy khô đóng gói, dùng cho công nghiệp bánh kẹo hoặc thực phẩm ăn trực tiếp. Nước cốt dừa ép từ dừa tươi tiệt trùng, xử lý thành sữa dừa ngon - bổ. Sữa dừa cô đặc thành bột vừa dinh dưỡng, vừa tiện lợi. Nước cốt dừa đậm đặc chế biến thành kem dừa, “ăn là ghiền”; nhất là kem dừa sáp, rất riêng, rất thơm và bổ dưỡng. Ngoài ra còn có phô mai dừa, yourt dừa… Các loại thạch dừa là món ăn tráng miệng tuyệt vời, giúp tiêu hóa tốt, chống béo phì. Tôi khoái nhất là món “rau câu dừa”. Trưa nắng, nuốt miếng rau câu dừa tới đâu là hạ hỏa tới đó. Tôi có thể ăn mỗi bữa một trái và cả tuần như vậy!
Hình ảnh

Hình ảnh
Nhiều người ghiền nước dừa nên đi đâu cũng mang dừa theo. Không có dừa tươi thì dùng tạm dừa đóng hộp, dù hương vị không trọn vẹn nhưng cũng đỡ thèm. Dừa xuất hiện trong mâm ngũ quả “CẦU (mảng cầu) - VỪA (dừa) - ĐỦ (đu đủ) - XÀI (xoài)” để tri ân Trời Đất và tổ tiên vào dịp giao thừa. Trong những ngày Tết, các món mứt dừa truyền thống không thể thiếu trong mỗi gia đình. Festival dừa lần này có các cuộc thi lạ như “Ăn kẹo dừa”, “ Hái dừa”, “ Bổ dừa”, “Thời trang dừa”…. Những người răng yếu hoặc răng giả chỉ nên dùng kẹo dừa loại mềm, độ dẻo vừa phải. Bởi kẹo dừa có mấy chục loại, độ dẻo, độ cứng khác nhau; màu sắc và hương vị cũng khác. Lần đầu tiên Bến Tre sẽ trình làng loại nước dừa lấy từ hoa còn gọi là mật hoa dừa. Cũng giống như nước thốt nốt, mật hoa dừa lấy từ hoa. Hoa dừa khi nở xòe ra như pháo bông, được buộc túm lại, kính thích rồi vạt đầu. Mật từ các cuống sẽ nhỏ từng giọt xuống ống bương bên dưới. Mỗi ngày lấy nước vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều. Dừa ra hoa quanh năm nhưng vào mùa nắng mới có nhiều nước; trời càng nắng, nước càng ngon. Mỗi cây có cả chục hoa, cứ mỗi hoa là một ống bương đựng mật. Mật dùng để uống giải khát, tốt nhất là uống lúc sáng sớm. Mật ngọt dịu, thơm nhẹ nhàng, mát rượi, chảy từ lưỡi xuống toàn thân, rất đã. Mật nấu cô đặc thành đường dừa, dùng để uống trà, nấu chè thi trên cả tuyệt vời, ăn đứt đường mía, đường cát. Người Khmer làm rượu thốt nốt gọi là nước thốt nốt chua - khách du lịch gọi là “Bia Pochengtong”- tên sân bay quốc tế ở Phnom Penh. Mật hoa dừa ở Bến Tre cũng được chế thành rượu vang độc đáo, chỉ Bến Tre mới có. Tại sao không gọi là “Bia dừa Bến Tre” nhỉ?
Hình ảnh
Cơm dừa khô được ép thành dầu dừa - một sản phẩm có công dụng đa năng. Có dầu dừa khô, dầu dừa tinh khiết và bánh dầu dừa. Bánh dầu dừa là phần bã sau khi ép dầu, dùng làm thức ăn gia súc hoặc trộn làm phân bón cây. Dầu dừa khô được tinh luyện, khử màu, khử mùi thành dầu ăn và chế biến các sản phẩm sử dụng trong công nghiệp. Dầu dừa thô, ép theo phương pháp khô còn dầu dừa tinh khiết, ép theo phương pháp ướt, không màu, có mùi đặc trưng, giá gấp 4 lần dầu dừa thô. Đây là thực phẩm chức năng được xem như thần dược với nhiều công dụng. Không chỉ ngừa bệnh tim mạch, béo phì, cholestoron, sars… mà còn kìm hãm sự phát triển của bệnh HIVAIDS. Dầu dừa tinh khiết là cứu tinh để chăm sóc, làm đẹp da, làm đẹp tóc… số 1 của phụ nữ. Với 50% acid clauric, dầu dừa có khả năng kháng nấm, vi khuẩn, virus; giúp làm lành và phục hồi các vết thương; rất tốt để điều trị các vùng da bị mụn, viêm, chàm…. Dầu dừa là lựa chọn số 1 để dưỡng da mặt, tẩy trắng, dưỡng môi (khi bị nứt, khô), dưỡng ẩm toàn thân, dưỡng da tay, da chân, tẩy tế bào chết, dưỡng tóc - ngăn ngừa tóc khô và chẻ ngọn. Những mái tóc đen mượt, óng ả của các cô gái Bến Tre đều được chăm chút hàng ngày từ dầu dừa. Nhiều người còn khẳng định: “Mỗi sáng ngậm một muỗng dầu dừa rồi nhai thật kỹ thì có thể phòng và chữa được bá bệnh”. Dầu dừa có nhiều công dụng, nhưng phải biết cách dùng và tùy thuộc thể trạng từng người. Những người bị đái tháo đường, cao huyết áp, béo phì, xơ vữa động mạch, cao tuổi, tiêu chảy, suy nhược, phụ nữ mang thai…cẩn trọng khi sử dụng dầu dừa.
Hình ảnh
Gần đây, Bến Tre còn nổi tiếng rượu dừa, độc đáo từ bao bì tới chất lượng. Có cả những Công ty chuyên sản xuất loại rượu đặc trưng này. Rượu dừa phải làm từ dừa xiêm, trái tuy nhỏ, nhưng nước ngọt, chất lượng mới đậm đà. Dừa hái ở vườn, lột sạch vỏ xơ, chà bóng gáo, dùng dao khoét nhẹ lỗ trên đầu trái để đưa men vào rồi bít lại. Men làm rượu dừa là men nấu rượu gạo pha với rượu nếp cái. Tùy trái dừa to nhỏ mà men ít hay nhiều cho vừa đủ. Ít quá, rượu nhạt thếch. Nhiều quá, rượu đáng ngét. Rượu dừa phải ủ nơi mát và kín gió, sau 8 ngày mới dùng được. Cũng có thể làm rượu dừa đóng chai bằng cách bổ trái, lấy cơm dừa và nước dừa ủ chung với men. Một tuần sau thì chưng cất như nấu rượu gạo nhưng chất lượng thua xa rượu dừa ủ nguyên trái. Rượu trái dừa được hâm nóng hoặc ủ lạnh - uống càng phê, ngọt ấm, thơm tê, dịu mát.

Hình ảnh
Ở Bến Tre, dừa góp mặt trong vô số món ăn. Có người quả quyết “hơi thở của con gái Bến Tre phảng phất hương dừa. Cả tóc và da thịt cũng vậy?” Do đặc thù về thổ nhưỡng, chỉ có dừa Bến Tre mới làm được những loại kẹo ngon nhất, cơm dừa Bến Tre có giá trị cao nhất, cả tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Nước dừa và nước cốt dừa có mặt trong tất cả các món ăn ở Bến Tre từ cơm, canh, xào, kho cho đến chè, bánh. Hình như chẳng có loại chè, loại bánh nào ở vùng đất này không có nước cốt dừa? Cơm dừa xắt lát, kho chung với cá hoặc thịt heo gắn liền với tuổi thơ bao thế hệ. Mẹ kho khéo và ngon đến mức, lũ trẻ chỉ khoái ăn cơm dừa vì bao nhiêu tinh túy của cá và thịt đã chuyển qua dừa. Nhiều món ngon mới kể đã chảy nước miếng. Mà phải ăn ở Bến Tre, do người Bến Tre chế biến, hít thở không khí Bến Tre, chung quanh rợp bóng dừa mới đã. Đảm bảo ăn một lần là khoái, ăn hai lần là ghiền. Không chỉ khoái và ghiền các món ngon từ dừa mà còn nhớ và mê cả người chế biến.
Hình ảnh
Khai vị với rượu dừa trái có các món gỏi dừa mà ngon nhất là gỏi củ hủ dừa. Tiếp đó là các món ốc xào dừa mà ốc leng là số một, rồi đến nghêu luộc nước cốt dừa. Món mặn thì ăn cả tuần chưa hết thực đơn. Nào tép rang dừa, phải là tép tươi, còn nhảy lách tách mới đúng bài. Rồi thịt kho nước cốt dừa - còn gọi là thịt kho tàu, củ hủ dừa hầm bắp giò heo. Các loại cá kho nước cốt dừa, cá lòng tong chiên dừa, tôm càng xanh luộc trong trái dừa… Rồi nấm mối (dưới gốc dừa) xào lá cách, nấm mối nướng nước dừa.
Hình ảnh
Cầu kỳ hơn thì có các món chế biến từ chuột dừa - loài chuột chuyên trèo cây ăn cơm dừa, thịt thơm ngon và rất dừa. Các món chế biến từ đuông dừa - xưa chỉ dùng tiến vua. Cúm núm quay nước dừa, rắn mối nấu cháo đậu xanh dừa hoặc xào nước cốt dừa. Các món chế biến từ ếch, ong non, rắn nước…với dừa. Những trái dừa vạt đầu, được ném xuống ao. Loài cá bống hoặc ếch chui vào, rỉa cơm mà lớn nên thịt ngon không thể tả, nhưng ngày càng hiếm.
Hình ảnh
Cơm dừa được nấu từ gạo vo bằng nước dừa rồi cho vào trái, để nước dừa tươi vừa đủ, đậy lại đem chưng. Cơm dừa xiêm là ngon nhất. Gạo mới, dẻo thơm, nấu trong trái dừa xiêm vừa tuổi nạo, tươi rói. Cơm dừa xiêm ăn với các món “độc” chế biến từ dừa thì “ngon điếc tai”. Món tráng miệng cũng tha hồ lựa chọn. Nào “chuối xào dừa”, chè “bí ngô nước cốt dừa”, chè “bà ba dừa”, chè thưng dừa và kính thưa các lọai chè. Chè nào cũng có nước cốt dừa. Rồi kính thưa các lọai bánh. Từ bánh tét, bánh ít, bánh bò dừa nướng, bánh xèo củ hủ dừa cho đến bánh kem. Hễ bánh nào có bột, có đường là có nước cốt dừa. Từ lâu, dừa đã trở thành đặc trưng của ẩm thực Bến Tre. Chỉ cần biết cách khai thác “các món ngon từ dừa” thì du lịch Bến Tre nói chung và “Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012” cũng tha hồ đón khách. Dĩ nhiên phải nỗ lực đồng bộ, từ dịch vụ đến giao thông, từ vệ sinh môi trường đến an toàn thực phẩm, từ quy họach đầu tư đến thái độ phục vụ. Tháng 4/2012 này, nhất định tôi sẽ về Bến Tre để thưởng thức những món ngon từ dừa, thèm lắm rồi!!!

Một số món ăm từ nguyên liệu dừa:
Hình ảnh
Tác giả: Nguyễn Văn Mỹ
TTXTDL Ben Tre
Hình đại diện của người dùng
ttxtdlbentre
 
Bài viết: 70
Ngày tham gia: 15 Tháng 3 2011 07:29

Ấn tượng ẩm thực xứ dừa năm 2012

gửi bởi ttxtdlbentre 09 Tháng 3 2012 23:00

Ấn tượng ẩm thực xứ dừa năm 2012

Tháng tư là tháng tưng bừng những ngày hội của cả nước hướng về kỷ niệm ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975). Năm 2012, hòa chung không khí tưng bừng rộn ràng của những ngày hội tháng 4, xứ dừa Bến Tre đang ráo riết triển khai các hoạt động trong chuỗi “Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012” để góp phần chào mừng kỷ niệm 37 năm ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975 – 30/4/2012).
Hình ảnh
Năm 2012 "Festival Dừa Bến Tre lần III" sẽ tổ chức qui mô và có sự góp mặt của các tỉnh có diện tích trồng dừa khá lớn. Có thể nói đây là tuần lễ diễn ra nhiều sự kiện đặc sắc hấp dẫn, trong đó có “Liên hoan ẩm thực xứ dừa lần thứ I”. Với 02 lần kinh nghiệm tổ chức hội thi và liên hoan ẩm thực dừa (năm 2009, 2010) đã nhanh chóng tạo được nhiều tiếng vang, gây ấn tượng với nhiều du khách đến Bến Tre.
Hình ảnh
Sự chuẩn bị ráo riết cho Khu “Liên hoan ẩm thực xứ dừa" lần này khá qui mô, song hành cùng với các sự kiện khác diễn ra trong “Festival Dừa Bến Tre”. Đây là một trong những hoạt động thú vị, đặc sắc, là tạo sân chơi nghệ thuật ẩm thực cho các doanh nghiệp, nhà hàng - khách sạn, đơn vị kinh doanh ăn uống trong và ngoài tỉnh, Hội Liên hiệp Phu nữ các huyện, thành phố Bến Tre về đây giới thiệu nét văn hóa ẩm thực đặc sắc đa dạng, cũng như biểu diễn thao tác tay nghề thông qua các món ăn của từng vùng, miền khác nhau mà chủ yếu là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hình ảnh
Các gian hàng bằng nhà dừa (khu A)“Liên hoan ẩm thực xứ dừa lần thứ I” năm 2012.
Tại Công viên Hùng Vương, Phường 7 – Tp Bến Tre (đoạn cầu Bến Tre 2).


Hiện tại Khu “Liên hoan Ẩm thực xứ dừa lần thứ I" đang bắt đầu lắp đặt các gian hàng ẩm thực và sẽ có sự tham gia của trên 40 gian hàng. Điều sẽ làm du khách ấn tượng nhất là khu "Liên hoan ẩm thực xứ dừa lần I" sẽ diễn ra giữa không gian rộng, thoáng mát, bên cạnh tái hiện cảnh trí nghệ thuật sắp đặt hình ảnh “Con đường dừa” nằm trên công viên Hùng Vương bên bờ sông Bến Tre hiền hòa thơ mộng. Các gian hàng ẩm thực được làm hoàn toàn bằng vật liệu dừa (khung nhà) và mái lợp bằng lá dừa nước của xứ dừa. Du khách đến với khu ẩm thực xứ dừa sẽ được thưởng thức các món đặc sản, đặc sắc, hấp dẫn vừa được ngắm cảnh không gian nơi đây, hít thở không khí trong lành thoáng mát, chắc chắn du khách sẽ hài lòng, nhớ mãi. Bên cạnh là nghệ thuật chế biến thức ăn, pha chế nước uống cũng được các gian hàng trổ tài thao tác biểu diễn các món ăn theo văn hoá ẩm thực của địa phương mình. Hay sự có mặt của những tay nghề miệt vườn thứ thiệt thao tác tỉa rau, củ, quả rất độc đáo ... “Liên hoan ẩm thực xứ dừa lần thứ I” còn có chấm giải “Gian hàng xuất sắc” cho các đơn vị đăng ký tham gia.
Hình ảnh
Hình ảnh
Các gian hàng bằng nhà dừa (khu B)“Liên hoan ẩm thực xứ dừa lần thứ I” năm 2012 - tại Công viên Hùng Vương, Phường 7 – Tp Bến Tre (đoạn cầu Bến Tre 2).

"Liên hoan ẩm thực xứ dừa lần I" năm 2012 khai mạc lúc 09 giờ ngày 05/4/2012 và bế mạc lúc 22 giờ ngày 09/4/2012, được tổ chức 02 khu (A và B), đều nằm trên công viên Hùng Vương bên bờ sông Bến Tre (đoạn Cầu Bến Tre 2). Ban Tổ chức sẽ bàn giao cho các đơn vị đăng ký tham gia gian hàng ẩm thực từ ngày 25/3 đến 30/3/2012.

Tham gia "Liên hoan ẩm thực xứ dừa lần I", nếu đơn vị có các tiết mục biểu diễn (trình bày cách chế biến món ăn, tiết mục văn hóa địa phương,…) đăng ký với Ban Tổ chức cụ thể thời gian, nội dung biểu diễn để Ban Tổ chức sắp xếp biểu diễn phục vụ khách hàng vào đêm 06, 07, 08/4/2012. Đây cũng sẽ là cơ hội đầy ý nghĩa, giúp các đơn vị học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các tay nghề khác nhau ở nhiều vùng miền khác nhau, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, đưa được nghệ thuật chế món ăn thành một nét văn hoá đặc trưng và trở thành món ăn tinh thần cho chương trình "Festival Dừa Bến Tre lần III" thành công.

Hình ảnh các món ăn qua 02 lần tổ chức ẩm thực xứ dừa năm 2009 – 2010
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh
TTXTDL Ben Tre
Hình đại diện của người dùng
chauseo88
 
Bài viết: 2
Ngày tham gia: 01 Tháng 6 2011 09:57

Re: Ẩm thực Bến Tre

gửi bởi chauseo88 18 Tháng 4 2012 14:04

Bến tre còn có cả kẹo dừa, rượu dừa nữa
Quay về Ẩm thực
 


  • Bài Viết Liên Quan
    Trả lời
    Xem
    Bài viết sau cùng

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.1 khách.